Câu hỏi của các cô teenagers “chọn mẹ hay vợ” là một câu hỏi rất tàn nhẫn, nhưng nó không nằm ngoài một chuyện ai cũng gặp trong đời:
Nhiều lúc người đời rơi vào một tình huống, mà vì giới hạn của thời không trong tình huống đó, người ta chỉ có thể duy trì được một trách nhiệm đạo đức, và không thể nào duy trì được hết tất cả các trách nhiệm đạo đức khác.
Nếu như vậy có phải là người đó vô đạo đức hay không? Ông thầy chùa thấy cô gái té suối, lao tới ôm cô gái vác lên bờ. Đệ tử thầy chùa la ầm lên là “Phá giới rồi!”, ông trả lời sao? Ông nói: “Ta chỉ cõng cô gái kia một đoạn, các ngươi còn cõng tới bây giờ.” Không được thì thôi, chứ cũng một mạng người. Cứu được mạng người thì cứu chứ?
Một phiên bản hết sức gần gũi thế này: lỡ hứa đưa cô người yêu đi chơi một ngày, nhưng tới đúng hôm đó thì có việc đột xuất. Cô người yêu kia hiểu được, thông cảm, nhưng chẳng phải là thất hứa rồi sao?
Chỉ là cái giá phải trả cho việc thất hứa đó không lớn, nên người ta không cho đó là việc lưu tâm. Ai cũng ít nhiều gặp tình huống này, phải không?
Nhưng không phải vì vậy mà là người mang tiếng thất hứa chứ?
Cái merit của câu hỏi trên là như thế, nghĩa là trong đời người có rất nhiều thứ phải duy trì, nhưng vì giới hạn của thời không, tình huống, nên người ta không thể nào đảm bảo tất cả mọi thứ đều sẽ được duy trì dù cho có chuyện gì xảy ra, bằng bất cứ giá nào.
Cũng như việc Abraham phải lựa chọn: một là giữ lời với đấng Yhwh – giết con hiến tế, hai là làm trái ý Thần. Abraham chọn thế nào? Ông chọn giết con.
Giữa việc phụng dưỡng người mẹ đơn thân Mary, và việc chọn đi tới cùng con đường của mình, tiên tri Jesus chọn gì? Đêm trong vườn Gethsemane ông cầu nguyện điều gì? Để người mẹ ở lại, không phụng dưỡng, không phải như thế cũng là bất hiếu sao?
Cái bất toàn của đất trời chính là như vậy, nhưng chính cái bất toàn đó mới làm đất trời hoàn hảo. Tại sao hữu ý bất toàn lại chính là sự hoàn hảo? Bất đối xứng mới chính là đối xứng duy nhất? Là bởi vì đất trời còn chừa chỗ cho sự bao dung.
Sự bao dung, thiện tính, lòng vị tha xuất hiện ở những tình huống bất toàn như thế.
Có như vậy, ta mới đồng cảm nhìn đôi mắt người tình lúc trễ hẹn. Ít là tha thứ cho người lỡ thất hứa trong đời, mà nhiều là bỏ qua cho những lỗi lầm tưởng chừng như không thể nào dung thứ, phải không?
Quẻ Phong Hỏa Gia Nhân chính là nói tới tình huống đó, đất trời trừng phạt xong rồi, chẳng phải việc còn lại là thương mến nhau sao?
Thông điệp của Dostoievsky trong Anh Em nhà Karamazov là như thế, và Alyosha chính là tiếng nói của ông. Ông không cầu sự trừng phạt, ông cầu sự tha thứ của đấng toàn năng, và sự cứu chuộc sau cùng.
Sau Tội Ác và Trừng Phạt, tâm hồn Dostoievsky nhìn ra một cảnh giới mới, là cảnh giới tâm hồn ông viết lại qua nhân vật Alyosha.
Tới đây dễ hiểu rồi phải không?
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment