Nếu ta nhìn lại lịch sử, nền dân chủ pháp trị không phải là sản phẩm của con người. Ngược lại, đó chính là món quà của Đấng Toàn Năng dành tặng cho người đời kiên quyết trì giữ lại lương tri, ngõ hầu qua lương tri mà cảm nhận và kết nối với các sinh mệnh siêu việt ở thời không khác – người đi nhà thờ gọi đó là Đức Thánh Linh, người thờ Phật gọi đó là Phật Tính.

Câu chuyện về anh em Cain và Abel vẫn là một câu chuyện kỳ lạ. Trong Bibles vỏn vẹn vài dòng.

Cain là nông dân, Abel là mục đồng. Cain là con trai đầu, nên được sở hữu đất đai thờ tự, Abel là người chăn gia súc lang thang trên đất.

Hai anh em dâng lễ vật lên đấng YHWH, vị Thần tạo ra người Do Thái, mà người đi nhà thờ thời nay gọi là Thượng Đế.

Đấng YHWH nhận lễ vật của Abel, không nhận của Cain. Cain giết em trai của mình, nói dối YHWH, sau bị trừng phạt lang thang trên đất. Sau năm tháng sám hối, dòng dõi Cain tồn tại mãi cho tới thời Enoch, trước thời Đại Hồng Thủy.

Tại sao Cain giết em trai của mình? Đây là câu chuyện thật, hay là câu chuyện mang tính biểu tượng?

Có điều gì đó không rõ ràng trong câu chuyện về Cain và Abel. Theo một cách nghĩ đơn giản, Cain ghen tức vì Abel được Thần thừa nhận. Nếu không dâng lễ vật lần này, thì dâng lễ vật lần khác? Đức YHWH vẫn ở đó. Cớ gì phải giết Abel? Tại sao không đơn giản là cầu nguyện hỏi Thần YHWH thích gì, rồi hiến tế lần sau?

Ít ra cũng có thể bắt chước Abel. Mỡ của con chiên lứa đầu tiên đâu phải là thứ khó kiếm? Cain có thể trao đổi hoa màu với em trai của mình, lấy một ít gia súc tốt về, học cách chăn nuôi, rồi sau lại dâng lễ vật tương tự ở lần hiến tế sau. Cớ gì phải giết người?

Muốn giết gia súc để lấy thịt, đòi hỏi phải có sức khỏe. Nếu lúc đó đã có phương tiện làm đồng áng, thì đương nhiên lấy mạng một sinh vật khác như gia súc đâu có khó?

Abel biết lấy mỡ của con chiên lứa đầu, vậy có thể là có công cụ cắt. Và Cain là người làm nông, phải có công cụ hỗ trợ thu hoạch nông sản chứ? Muốn giết Abel, một nhát dao lên cổ là xong, nhẹ nhàng và đỡ tốn sức hơn là vác đá chứ?

Cain dùng đá đập chết em mình, tự trong nội tâm phải có một áp lực gì đó mạnh mẽ, mới có thể xuống tay hết sức tàn nhẫn. Cain chưa từng giết người, nếu như phải nện đá vài lần Abel mới chết, trong suốt quá trình đó Cain nghĩ gì?

Có thể ta không bao giờ có câu trả lời về tình huống chân thực lúc đó. Rất có thể lần hiến tế đó quan trọng tới mức quyết định một người có thể được trở về vườn Địa Đàng Eden.

Eden là nơi cha mẹ của Cain và Abel đã sống rất thoải mái. (Adam và Eve đã từng sống ở vườn Địa Đàng, sau vì không nghe lời YHWH mà bị đuổi tới sống ở trên đất, vất vả nuôi thân.) Và vì tầm quan trọng của lần hiến tế đó, nên rất có thể hai anh em Cain và Abel đã hết sức cố gắng.

Sách Cựu Ước không viết gì thêm, rất có thể là Cain đã lao nhọc hết sức vất vả, và thành quả của Cain là thành quả của những nỗ lực tốt nhất.

Nhưng thành quả của nỗ lực đó lại không được YHWH thừa nhận. Cain rất khó chịu, YHWH chỉ nói là hãy nhớ lại xem mình đã làm gì sai.

Thực ra cuộc đời sẽ hết sức đơn giản nếu như ta nghĩ rằng cứ nỗ lực hết sức mình thì sẽ có những gì đáng có. Kỳ thực là cuộc đời không đơn giản như vậy. Chính là trong cuộc đời này đã có rất nhiều người nỗ lực, nhưng rất nhiều trong số họ kết cục nhận được cuối cùng đều không mấy tốt đẹp.

Chuyện thành công người ta kể rất nhiều, vì câu chuyện đó là chuyện nhiều người muốn nghe, nó làm người ta thêm hy vọng, làm các synapes trong não bộ sản sinh ra thật nhiều Dopamine. Cảm giác nghe chuyện thành công trong đời cũng như nhìn thấy người khác thắng cược ở sòng bài, ráng thảy thêm một chút tiền vào, rồi sẽ như họ? Cuộc đời dễ quá, phải không?

Chính là không dễ dàng như vậy.

Và chính vì những lúc như vậy, người ta nên bình lặng lắng nghe lời Đấng Toàn Năng, rằng có thể trong quá trình nỗ lực, đã có một điểm gì đó không đúng, có một điều gì đó mấu chốt quan trọng, dẫn tới kết cục không hề mong muốn.

Cain không làm như vậy, đối diện với thất bại của mình, trong lòng ông tràn ngập thù hận.

Điều ông thù hận chính là lý tưởng quan trọng nhất: sự thừa nhận của Đấng Toàn Năng.

Nên ông hủy diệt cái tình huống đó bằng cách giết người anh em của mình. Sau thì đấng YHWH xuất hiện. Nhưng đấng YHWH không giết Cain. Cain ngược lại, vẫn được đấng YHWH bảo hộ, và Cain lang thang trên đất, bỏ vào hang đá, sám hối tội lỗi của mình. Dòng giống Cain còn trường tồn, mãi tới thời Noah.

Đức tin vào đấng YHWH của người Do Thái, mà sau này người Tin Lành gọi là Thượng Đế, tạo ra ảnh hưởng hết sức sâu rộng trên toàn cõi Âu Châu trong nhiều năm, mạnh mẽ nhất là từ khi chúa Jesus xuất hiện. Bởi vì qua Đấng YHWH và chúa Jesus, người Do Thái và người Âu Châu hiểu được rằng có điều gì đó hết sức thiêng liêng bên trong mỗi con người.

Tại sao Đức YHWH không giết Cain? Đức YHWH vẫn giành cho Cain cơ hội sám hối, vẫn bảo hộ cho giòng dống của Cain?

Vẫn còn xứ không chấp nhận án tử hình, hay giả định vô tội – assumption of innocence,… đây chính là dấu ấn của đức tin của xứ sở vào phần thiêng liêng đó. Ngay cả khi một người có phạm tội ác tày trời tới đâu, người khác vẫn không dám quyết định kết thúc mạng sống của người đó, chính là bởi vì họ không dám động chạm vào phần thiêng liêng đó trên thân người thủ ác.

Và chính vì vậy, Luật Pháp dẫu có phát triển tới đâu, cũng không thể đụng chạm tới phần thiêng liêng nội tại, vốn tách biệt con người so với tất cả các sinh vật khác trên đất.

Cơ thể con người, cũng như động vật, cần thức ăn, cần bài tiết, cần sinh hoạt tình dục để duy trì giống nòi. Nhưng chính nhờ phần thiêng liêng nội tại, người ta có thể hữu ý từ bỏ tất cả những tiện nghi đời thường, hay chí ít chỉ duy trì những phần thiết yếu đó ở mức tối thiểu. Để khi đó người ta có thời gian tối đa để hoàn thiện sự kết nối với phần thiêng liêng bên trong – là cầu nối tiếp cận với sinh mệnh siêu việt ở thời không khác.

Không phải ngẫu nhiên mà khi rao giảng về đức tin, người ta rao giảng về sự trở về. Trở về nơi cao quý mà tâm hồn vốn đã từng tồn tại.

Từ bỏ phần thiêng liêng đó, cũng có nghĩa là chấp nhận sự hủy diệt. Bởi phần thiêng liêng đó mới chính là nguồn sống của nhân sinh.

Một khi từ bỏ ý chí tự do, sự gắn kết với Thần Phật, từ chối phần thiêng liêng trong nội tại để theo đuổi niềm vui xác thịt cõi này, người đời sẽ đối diện với sự diệt vong, và họ đang đối diện với sự diệt vong. Không phải là đất trời trừng phạt họ, mà chính là họ đã tự cắt đứt nguồn sống của mình.

(Andrew Nguyen)