Hồi Ức Dưới Hầm là một tuyệt tác của Fyodor Dostoievsky, mà bản dịch của ai đó từ nhà xuất bản An Tiêm là một bản dịch rất hay. Tuy đối với cá nhân, đọc bản Việt Ngữ không có cái ớn lạnh chạy dọc sống lưng như bản Anh Ngữ sau này của Volokhonsky.
Hồi Ức Dưới Hầm là hồi ức về một góc phòng tăm tối nhất trong tâm hồn con người.
Thực ra cái đáng sợ nhất đối với con người không nằm ở bên ngoài, mà chính là nằm ở căn hầm tăm tối trong tâm hồn. Người ta né tránh nó, không dám nhắc tới nó, bởi từ nó bước ra những thôi thúc rác rưởi tầm thường nhất.
Chiếc áo thầy tu và chuỗi mân côi không làm người ta dừng việc thò tay vào trong người các bé trai, ngay ở kinh đô của tôn giáo, bên trong tòa nhà dựng lên để thờ Chúa.
Khi người ta ở trong một cộng đồng mà những lời tốt đẹp là quy chuẩn của sự giao tiếp, thì sự cô đơn sẽ làm người ta sợ hãi. Bởi lúc cô đơn ở một mình, là lúc chỉ còn lại âm vang của những ham muốn trần trụi nhất.
“Ta nhìn thấy ngươi, Mara” – Đức Phật Thích Ca (Mara là kẻ sinh đôi quỷ quyệt hiểm ác của Đức Phật).
Người nào dám bước vào căn phòng đó, dọn dẹp rác rưởi trong tâm hồn mình, mở cửa sổ cho ánh sáng của đức tin vào phòng, để ma quỷ không còn nơi ẩn nấp, người đó sẽ nhìn ra được nguyện ý của Đấng Toàn Năng đối với sinh mệnh của mình.
Dostoievsky đã có câu trả lời cho nhân loại, rằng vĩnh viễn con người sẽ không bao giờ có được một Utopia. Bởi một khi đặt họ lên vùng đất đó, họ rồi cũng sẽ hủy hoại nó trong chớp mắt.
Trích Hồi Ức Dưới Hầm. (Bạn nào muốn đọc bản dịch của An Tiêm có thể lấy link trong comment)
“Chuyện này luôn luôn xảy ra: trên đời thường hay có những kẻ khôn ngoan và đạo đức, những bậc hiền triết và những nhà nhân ái. Mục tiêu của họ là sống một cuộc sống theo lẽ phải và đạo đức, để làm gương cho đồng loại mình và chứng minh cho họ biết rằng người ta có thể sống theo lẽ phải và đạo đức được. Nhưng rồi quý vị có biết sao không? Chẳng sớm thì muộn, rồi các nhà hiền triết tài tử này cũng lại phản bội lí tưởng của họ và sống thỏa hiệp trong những vụ vô luân thường nhất.”
“Đâu đã hết: cho dù con người có thật là một phím dương cầm chăng nữa, cho dù khoa học tự nhiên và toán học đã chứng minh như vậy đi chăng nữa, hắn cũng vẫn không thèm khôn ngoan làm gì. Hắn cũng vẫn cố tình làm một vài việc vô lối, cốt chỉ để biểu tỏ cái vô ơn, cốt chỉ để chứng tỏ caprice (tính thất thường đồng bóng) của hắn.
Và trong trường hợp không tìm được phương tiện, hắn sẽ lao mình vào phá phách, vào hỗn mang: hắn sẽ gây ra mọi niềm đau khổ, cốt để tỏ cho mọi người biết là hắn đúng.
Hắn sẽ ném cái nguyền rủa đó vào thế giới, và bởi lẽ chỉ con người mới có thể nguyền rủa (đây là đặc quyền của hắn, cái khác biệt căn bản giữa hắn và các loài vật khác). Hắn sẽ đạt tới đích cuối cùng, nghĩa là chứng minh được cho mình rằng hắn là một con người chứ không phải một phím dương cầm.“
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment