Đây là những ghi chép từ rất lâu của tôi, là suy tưởng đúc kết từ những chủ đề rất khó. Tôi thấy rằng những kiến thức khác biệt của tôi có thể giúp được vài người, ít thôi. Có thể bàn luận những chuyện này, vẫn là hữu hạn những người rất có trình độ và chịu khó am hiểu về lịch sử Đông – Tây.
Tôi không khuyến khích những bạn nào không có kiến thức lịch sử đọc. Tư tưởng con người như cái chậu cây. Những hạt giống của cây lớn khi nảy mầm sẽ phá vỡ những chậu cây nhỏ. Rất nhiều người đọc những chủ đề này thấy rất nhức đầu, bởi vì không phải một sớm một chiều mà những liên kết được nhìn thấy.
Tuy vậy, tôi thấy trong số người đọc vẫn còn rất nhiều người có chiều sâu tư duy. Đối với những người như vậy, những bài viết này là dành tặng cho bạn.
Việc làm này cũng mang tới nhiều phiền phức.
“Không cho chó điều thần thánh, không tặng lợn chuỗi ngọc trai” là thái độ thường thấy của kẻ trí, bởi một khi những ý tưởng thâm viễn nói ra, nhiễu âm của những tư tưởng ở tầm mức chó và lợn sẽ át đi dòng suy nghĩ của những người thông sáng, ảnh hưởng tới những người thành tâm học hỏi.
Dẫu vậy, đây là những ngày phi thường. Aristotle từng nói: Human is a social animal by nature. Con người tự tính đã là một sinh vật xã hội. Tuy vậy, những đóng góp đáng kể cho nhân loại vẫn là từ những cá nhân hết sức cô độc. Thời gian này là thời gian người ta không thể gặp nhau vì lí do giãn cách xã hội, và vì thế cũng sẽ trở nên cô độc một cách không tự nhiên, nhưng tôi nghĩ cũng là thời gian hết sức quý báu mà đấng Toàn Năng dành tặng người đời để ta có thể nhìn lại mình.
Đối với những người vào đây để nhục mạ hay có ý đồ gì khác, tôi nghĩ bạn nên dừng lại, vì những lời thấp kém không chạm vào được tâm hồn tôi, nhưng nó làm mất thời gian của bạn, phải vậy không? Hãy trân quý đời sống của mình.
Dostoievsky có một cuộc đời bất hạnh vì chứng động kinh, và ngục tù. Trong những ngày tháng cuối, ông đã cố gắng hoàn hiện 1 kiệt tác để đời khi vẫn còn trong nhà tù của Sa Hoàng: “Anh em nhà Karamazov”. Đây là tác phẩm hết sức quan trọng đối với đối với nhiều người, trong đó có Albert Einstein – người đã dành những năm tháng cuối cùng để suy nghĩ về những lời của Dostoievsky.
Ly cà phê lần này, xin nhắc tới một ý tưởng rất kỳ lạ của ông:
“Chỉ có một con đường duy nhất tới sự cứu rỗi, là mỗi người tự mình phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của toàn nhân loại. Ngay khi tự thân thành khẩn chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người về mọi lỗi lầm, ta sẽ thấy một lần duy nhất rằng đúng như vậy, rằng thực sự ta chính là người duy nhất đáng bị trách tội đối với tất cả tội lỗi trên đời”
Dostoievsky có điên không? Có lẽ là không.
Alexander Solzhenitsyn, khôi nguyên Nobel năm 1972, người viết kiệt tác Quần Đảo Ngục Tù, sau khi nhìn lại lịch sử tai ương của nước Nga, ông thấy kỳ lạ.
Kỳ lạ là vì chỉ có một số ít người “hết sức năng động trong các hành vi khủng bố” lại có thể hủy diệt đi di sản của một nước Nga vĩ đại. Sự hủy diệt của họ không hề đơn độc, mà lại được chính người dân Nga, bằng cách này hay cách khác tiếp tay.
Dân tộc ông thực ra, không vĩ đại như ông tưởng. Ông kết luận: “Chúng ta [dân Nga] không yêu tự do cho lắm.” (We didn’t love freedom enough). Ông nói những lời này, khi đã rời xa xứ sở, cũng giống như Fitgerald viết Great Gatsby lúc ở Paris – những áng văn bất hủ về đất nước của mình.
Và họ cũng như tất cả chúng ta. Kỳ khôi là, chỉ có thể nhìn ra quê hương của mình một cách trọn vẹn khi đã rời xa xứ sở. Hay chính xác, là tâm hồn ta đã vượt xa khỏi biên duyên của xứ sở.
Trở về ly cafe, câu chuyện một sắc dân đã mất đi quê hương, nhưng cũng đã tìm về lại được với quê hương sau năm gần hai ngàn năm lưu lạc.
Abraham có tên cũ là Abram, sau đấng YHWH đổi thành Abraham – nghĩa là “người cha của các quốc gia”. Abraham là một nhân vật hết sức quan trọng trong Cựu Ước.
Một ngày, Abraham lo lắng về việc mình không có con. Thần YHWH nói với Abraham rằng ông sẽ có con, và dòng dõi của Abraham sẽ nhiều như sao trên trời, thần YHWH sẽ ban cho ông mảnh đất từ sông lớn Ai Cập, cho tới dòng Euphrates, nghĩa là một vùng đất khá lớn ở Trung Đông.
Có điều, lúc đó Abram đã rất già, trên 80 tuổi. Vợ ông là Sarai cũng đã ngoài bảy mươi và không thể sinh con. Tuổi này là tuổi nghỉ hưu của rất nhiều người, đấng YHWH là một vị thần hết sức hà khắc. Một gia đình hai người già lụ khụ rồi, ông lại bắt bỏ xứ ra đi? Trên con đường đó biết lấy gì sinh sống. Mà già cả như vậy, gặp thổ phỉ, hay cướp thì sao?
Nếu ta tự đặt mình vào trong tình huống của Abraham, có lẽ ta thấy lời chỉ dẫn của vị thần này rất khó hiểu. Hơi sức đâu nữa mà đi? Nhưng Abraham cũng đi.
Nếu bạn đã từng trải qua cuộc đời tay trắng nhập cư, bạn sẽ hiểu rằng thế hệ di dân đầu tiên là một thế hệ rất kiên cường. Bởi người ta không biết làm gì để có thể thích nghi với dân bản xứ. Tự trong họ luôn có thôi thúc nỗ lực và cố gắng hết sức mình.
Rất nhiều người Việt lúc đặt chân xuống sân bay là ngay lập tức tìm việc làm. Bất luận ở Việt Nam có là kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo… sang Mỹ họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể, làm vườn, rửa bát, quét dọn,…
Từ những năm tháng vất vả đó, có số ít vẫn kiên trì học lên cao, và hết sức thành công trên con đường học vấn. Số khác nhờ bản lĩnh và sức chịu đựng từ những ngày làm việc lặt vặt nuôi gia đình, khi có một ít vốn liếng, họ chuyển sang làm ăn. Rất nhiều trong số họ thành ông chủ lớn.
Thế hệ thứ hai trong gia đình những người di cư này chia làm hai nhóm, nhóm chứng kiến sự vất vả của những ngày đầu mới qua cũng được thừa hưởng từ cha mẹ sự kiên cường đó, họ rất cũng rất thành công.
Lớp thứ hai là những người xuất hiện sau này, khi cha mẹ đã thành đạt, chúng không còn cố gắng như thời cha mẹ chúng nữa. Bạn thấy lớp thứ hai này sau về Việt Nam cũng rất nhiều.
Chúng ta đều biết rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa phát xuất từ đời sống nông nghiệp, người ta gắn liền với quê cha đất tổ bằng tình cảm, và không sẵn sàng rời đi. Nhưng cũng chính vì không rời đi, căn cước của dân Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng khi họ không có kiến thức về thế giới bên ngoài.
Lớp sĩ phu một thời chỉ biết tới nền văn hóa Á Đông mà từ chối tìm hiểu nền văn minh Tây Phương. Dẫu rằng, không nói rằng nền văn minh Tây Phương là ưu việt hơn, nhưng chính là bởi vì thiếu kiến thức và hiểu biết, nên lớp sĩ phu Á Đông này trở nên cứng nhắc và ngây thơ.
Nền Minh Triết thâm viễn của Á Đông có một cái gì đó khiếm khuyết, nhất là khi những người theo học sau này của Khổng Tử không thể nào đương đầu với hậu duệ của lớp người dám dong thuyền vượt trùng khơi, chinh phục các vùng đất mới.

cafe-covenant-andrew-nguyen-khai-tam-khai-tue-dong-buom-vuot-trung-khoi
Ngay cả thứ chữ viết mà ta đang dùng, lại do một linh mục người Bồ Đào Nha tạo ra, Bồ Đào Nha là cường quốc hàng hải một thời. Dân Á Châu không dám vượt biển, nên sẽ không đủ bản lĩnh đương đầu với những người như vậy.
Người Nhật Bản nhìn ra chuyện, ráng sức học hỏi. Nhờ sự dũng cảm đó, căn cước của người Nhật không hề mất đi. Trái lại, chúng ta thấy rằng họ dung hòa được sự tồn tại của các luồng văn hóa khác nhau, và thành công trong việc duy trì bản sắc của mình.
Thực ra, khi trình độ và bản lĩnh của dân tộc đề cao, dân tộc hoàn toàn có thể xếp đặt và bảo vệ tính căn cước hài hòa trong một thế giới tự do. Shinkanshen có thể chạy ngang những làng quê có khung cảnh cổ kính hết sức thơ mộng là câu trả lời của người Nhật Bản.
Bạn thường nghe người đi nhà thờ nói “Lòng Chúa nhân từ”, nhưng tại sao lại đấng YHWH lại để con độc sinh của ngài chịu đựng trên thập tự giá. Người trong nhà thờ có thể nói với bạn rằng chúa Jesus chịu tội cho người thế gian, và để cứu độ người thế gian. Nhưng mà tại sao lại là chịu nạn trên Thập Tự Giá.
Ta biết rằng các tiên tri trước đều không chịu thống khổ như vậy. Ngay cả vất vả như Moses, nhưng ông cũng không tới nỗi bị đau đớn như thế, tuy rằng lang thang 40 năm trên sa mạc với một nhóm người sẵn sàng phản bội cũng không phải là ngày tháng dễ chịu gì cho lắm.
Nếu ta xếp đặt vấn đề ở dưới góc nhìn thế này: YHWH muốn Jesus đi con đường đó, và đêm chúa Jesus cầu nguyện ông trong vườn Gethsemane chính là nhận được thông điệp đó. Con đường đó là con đường chưa từng một tiên tri nào trước đó đi qua. Một tâm hồn thánh khiết nhất đón nhận cực hình tàn khốc nhất.
Con đường của chúa Jesus để lại một hình ảnh hết sức quan trọng trong giai đoạn văn minh này, cùng với hình ảnh tiêu dao của Lão Tử, và hình ảnh đức Phật tĩnh lặng ngồi dưới cội bồ đề.
Carl Jung rất thông minh, và cái thiên tài của ông ở chỗ ông nhìn ra rằng
Nhân cách của con người chỉ có thể hoàn thiện khi người ta dám dũng cảm dấn bước vào những vùng đất chưa hề biết tới, ông gọi là sự hỗn loạn (Chaos). Sự hỗn loạn chính là nguồn cơn của rất nhiều hiểu biết mới, khám phá mới, và cũng là nguồn sức mạnh mới.
Bạn để ý về vũ trụ anh hùng của Marvel và DC luôn gặp tình huống như thế này: anh hùng luôn gặp thử thách, dù quyền năng của họ tới đâu. Nhưng họ chỉ trưởng thành một khi họ dám đương đầu với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, và đó mới là một câu chuyện mà khi dựng thành phim người đời sẽ sẵn sàng trả tiền vé đi xem.
Khi Boston Dynamics huấn luyện robots. Họ cần phải tạo ra môi trường mà Robot có thể học cách tự đứng dậy khi bị ngã. Học bước đi đã khó, học cách tự đứng dậy sau khi bị ngã còn khó hơn. Nên họ đặt Robots bước đi trên máy treadmill, xô ngã hàng ngàn lần từ các góc độ tình huống khác nhau, áp lực khác nhau. Từ đó, các thuật toán dần dần tự động cập nhật các thông số mới, các biến được điều chỉnh, nên robot có thể đứng dậy rất nhanh.
Quan điểm từ việc này chính là:
Nếu như không đặt một sinh mệnh bị dồn ép tới mức cực hạn của sinh tồn, không thể biết được khả năng sinh tồn của sinh mệnh tới đâu.
Liệu rằng dịch bệnh này là một cuộc thanh tẩy của tự nhiên, hay là một sinh mệnh siêu việt nào đó đang dồn ép tạo vật của Ngài tới cực hạn sinh tồn để tìm kiếm những hạt giống tốt nhất?
Câu trả lời đó, xin hẹn ở ly cà phê Covenant (Khế ước với Thần) thứ 2.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment