Trong Anh Em nhà Karamazov, Dostoievsky có viết thế này:

“Đừng tự lừa dối mình. Người tự lừa dối, và lắng nghe sự dối trá của chính mình sẽ không bao giờ có thể phân biệt được sự thật từ nội tâm, từ ngoại cảnh, và vì vậy sẽ mất đi sự tôn trọng dành cho bản thân. Mà một khi không còn tôn trọng bản thân thì người đó cũng không còn biết thế nào là tình thương nữa”

Thế nào là tình thương? Tình thương tự tâm, và tình thương đối với người khác?

Dostoievsky trả lời:

“Tình thương dành cho kẻ khác chính là nhìn thấy ý muốn Thượng Đế ở nơi họ”

Vậy ý muốn của Đấng Toàn Năng ở trên mỗi người là gì? Lẽ thật là nguồn cơn của tự trọng, và từ tự trọng sẽ nhìn ra được ý muốn của Đấng Toàn Năng, và nguyện ý phụng sự Đấng Toàn Năng cũng chính là tình thương yêu mà ta có thể dành cho mình, và cho cả người khác?

Lí lẽ gì mà Dostoievsky có thể nói như vậy? Ông có thể có đức tin, nhưng nếu như ta chỉ đơn giản là có đức tin mà không cần lí lẽ, có khác gì giữa việc thờ một đấng nào đó và thờ hình nộm một con bò?

Trong “Notes of Underground” (Hồi Ký Dưới Hầm), Dostoievsky trả lời:

“Các ngài thấy đấy, lí lẽ là điều tuyệt vời, không thể từ chối sự thật đó, nhưng tự nó chẳng là gì, và lí lẽ chỉ được dùng để thỏa mãn phần lí trí của con người mà thôi. Trong khi ý chí mới là lời tuyên bố của một cuộc đời trọn vẹn, đó là cả cuộc đời người bao gồm lí trí và tất cả các thôi thúc khác.

Thôi thúc – impulses. Như đã nói trong các ly cà phê trước, nội tâm con người vẫn luôn chứa đựng hai phần, một là hỗn loạn, và phần kia là trật tự.

Trật tự (order) chính là nếp nghĩ, nếp sinh hoạt mỗi người được giáo dưỡng từ nhỏ. Sau này trưởng thành, trật tự đó sẽ còn thay đổi ít nhiều tùy vào môi trường sống.

Có một điều huyền bí là từ trật tự mà các mỹ cảm sẽ xuất hiện. Mỹ cảm, hay cảm thụ về cái đẹp, là một điều gì đó rất khó nắm bắt. Khó nắm bắt tới độ người ta có thể mất hàng giờ liền ngắm nhìn tác phẩm của danh họa mà không biết rằng mình đang tìm kiếm điều gì.

Nếu bạn ở Melbourne, hay ở Sydney, phòng triễn lãm tranh quốc gia – National Gallery, bạn sẽ thấy liên tục những gương mặt thân quen ngoài khách du lịch, nhóm người này từ trẻ tới già sẽ dành rất nhiều thời gian nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật từ thời Phục Hưng. Bạn đừng nghĩ là họ có đều có trình độ và hiểu biết nghệ thuật, rất nhiều không hề làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật.

Có một cái gì đó từ tác phẩm nghệ thuật như hút người xem vào một thế giới rất đẹp, một thế giới rất huyền bí… tới một mức độ mà nếu chiêm ngưỡng các tác phẩm qua thời gian đủ lâu, có gì đó trong tâm hồn sẽ bắt đầu thổn thức hoặc xúc động. Điều mà nhiếp ảnh vĩnh viễn không thể làm được.

Tại sao?

Friedrich Nietzche là một người rất đặc biệt, và ông cực kỳ thông minh. Ông là người nhìn ra bối cảnh toàn diện của nhà thờ Catholics Roma. Ông phát hiện ra rằng, nhà thờ Catholics xuất hiện đã tạo ra một trật tự mới trong đời sống của người dân ở Âu Châu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và ở Pháp.

Trong cả ngàn năm, người Âu Châu nhờ vào một trật tự do Catholics Roma tạo ra từ nếp sinh hoạt, thái độ sống đối với thời cuộc, cấu trúc nên toàn bộ hệ tư tưởng.

Từ trật tự đó, tài sản trong toàn cõi Âu Châu bắt đầu được luân chuyển, tài sản mới không ngừng được tạo ra. Song song với đó, kết quả từ trật tự tư tưởng, xã hội mà trung tâm là đức tin vào Jesus đã xuất hiện mỹ cảm. Mỹ cảm chính là đỉnh cao của trật tự đó.

Mỹ cảm được thể hiện qua âm nhạc, nghệ thuật, và kiến trúc. Du khách đi Âu Châu, kỳ thực vẫn là tới thăm những trung tâm nghệ thuật và kiến trúc này. Những chuyến du lịch tới Âu Châu vẫn rất hút khách, và những bức họa nổi tiếng từ giai đoạn Phục Hưng trong các triễn lãm ở một số nước đều là bảo vật quốc gia.

Nói đơn giản thế này, người ta có thể cảm nhận được một bản nhạc hay, nhưng không thể nào ngay lập tức đạt được trình độ đó. Sau khi đã nắm bắt được quy luật của âm thanh, tiết tấu, giai điệu,… tức là phải ghi nhớ và thành thục hàng trăm thứ, người ta mới có thể chơi một bản nhạc.

Trong khi đó, việc huấn luyện máy tính sáng tác nhạc và chơi nhạc lại không hề khó. Cái khác biệt giữa con người và máy móc, chính là mỹ cảm. Mỹ cảm chỉ xuất hiện khi người ta thành thục các kỹ thuật, nhạc lý, và từ sự thành thục đó, những thôi thúc sâu kín trong nội tâm sẽ xuất hiện. Những thôi thúc này có nơi để tồn tại, có tải thể để hiện diện, không còn phải ẩn nấp bên trong tâm nữa.

Nên mỗi một bậc thầy về âm nhạc, hội họa, kiến trúc, hay triết gia… đều có một dấu ấn riêng biệt.

Nói như thế này: người ta có thể rất giàu có, nhưng muốn trang trí nơi ở cũng cần có đôi mắt thẩm mỹ. Cảm thụ về thẩm mỹ, hay mỹ cảm, là rất khó có. Không phải là cứ đầu tư nhiều tiền thì sẽ có, bởi vì có rất nhiều người chẳng cần tiêu tốn nhiều tiền vẫn có thể tạo ra dấu ấn mỹ cảm lên môi trường sống xung quanh. Các tác phẩm nghệ thuật rất khó định giá, bởi vì chính là nhiều khi tiêu tốn rất nhiều tiền vẫn không thể tìm được một thứ khó nắm bắt như vậy.

Tuy vậy, riêng với Nietzche, ông nhìn ra được sự lụi tàn của hệ tư tưởng Catholics Roma.

Người ta cần nó để đi lên tới đỉnh. Trên đỉnh núi cao đó, người đời có thể nhìn thấy được cảnh tượng rất đẹp. Nhưng cũng ở trên đỉnh cao đó, người đời cũng nhìn ra rằng còn có những đỉnh núi cao hơn, và người ta cũng biết rằng họ có tiến gần hơn tới Đấng Toàn Năng hay không?

Để đi tới những nơi cao đó, người ta phải rời bỏ hệ tư tưởng mà nhà thờ Catholics Roma đã dựng, phá bỏ trật tự cũ và dấn thân vào một vùng đất mới.

Một khi cái mỹ cảm của xã hội loài người đạt tới đỉnh điểm, tự bản thân họ sẽ lại bước tiếp vào vùng đất hỗn loạn, mà tìm kiếm nguồn tri thức mới, ngõ hầu thiết lập một trật tự mới. 

Từ trật tự mới đó, một hệ thống các mỹ cảm mới xuất hiện, và trên con đường đó là nền văn minh mới, hình thái nghệ thuật mới. Bí mật của mỹ cảm chính là sự liên kết với sinh mệnh siêu việt – mà con người gọi là thần linh.

Tuy nhiên, rời bỏ đi cái trật tự suy nghĩ đó, cũng có nghĩa là chấp nhận những rủi ro mới. Những thử thách mới. Nghệ thuật đương đại mất đi xương sống, trở nên méo mó và biến dị tới lạ lùng.

Có một lần, một thanh niên đi vào nhà triển lãm, anh lấy cặp kính cận của mình đặt xuống đất, vậy mà cũng có nhiều người kéo tới dành thời gian chiêm ngưỡng rất lâu. Là bởi vì con người đã từ bỏ đi cái trật tự mà văn hóa truyền thống mang lại, nên từ trong sự hỗn loạn của tâm tưởng, họ tìm tới rất nhiều thứ loạn bậy khác nhau mà không thể cắt nghĩa. 

Những trật tự khác nhau có mỹ cảm khác nhau.

Bạn có thể nhìn lại quy hoạch đô thị của người Pháp ở Sài Gòn và Hà Nội xưa, và cái kiến trúc bây giờ sẽ thấy mỹ cảm của người bây giờ và hơn 100 năm trước rất khác.

Đây là chỉ là những ví dụ hết sức đơn giản, theo giác độ này bạn có thể nhìn ra rất nhiều chuyện từ thời trang cho tới kiến trúc.

Có một quyển sách của một người mẹ tên Amy Chua ở Hoa Kỳ, tên là “Khúc chiến ca của mẹ cọp”. Thực ra quyển sách này làm các người mẹ Hoa Kỳ dựng tóc gáy vì mức độ tàn nhẫn. Tuy vậy, xuyên suốt quyển sách này là những ví dụ rất rõ ràng về hai cô bé, mỗi lần học đều rất căng thẳng, tưởng chừng như có những kỹ thuật mà hai cô bé không thể đạt được tới nổi, nhưng Amy Chua vẫn kiên quyết, không cho hai cô bé nghỉ ngơi.

Sau rất nhiều lần thất bại, tự nhiên cô bé làm được, và các ngón tay như khiêu vũ hết sức mềm mại trên phím đàn, bất giác cô bé cũng cảm nhận được và chìm đắm vào cái đẹp của giai điệu, không còn phản kháng lại sự thúc ép của mẹ nữa.

Chính là để có được trật tự đó là một nỗ lực rất lớn, một khi đạt được trình độ đó, cái cô bé nhận được chính là mỹ cảm ở một tầng thứ cao hơn. Tất nhiên, nếu bạn đọc sách thì sẽ thấy là cô bé khổ luyện đêm ngày.

Đối với Dostoievsky, tình thương chỉ có thể tồn tại khi nào người ta thôi lừa dối chính mình. Và một khi liên tục tiếp cận với sự thật, người ta có nguồn tri thức quý báu để có thể thiết lập một trật tự xã hội tốt hơn.

Tiếp cận với sự thật đồng nghĩa với đón nhận nhiều đau khổ hơn. Tuy vậy, bước qua hành trình đau khổ, mỹ cảm xuất hiện đưa người ta tới gần hơn với Thần Phật, hay đời sống tâm linh.

Sức mạnh của Nghệ Thuật có cái tác dụng đó.

Nghệ thuật chân chính đưa con người ta tới gần hơn tới sự thánh khiết – hay phần tốt đẹp của nội tâm. Sự thánh khiết nội tâm, nếu không phải tới từ Thần Phật – thì tới từ đâu?

Nietzche tuyên bố: God is dead! Ông nhìn ra rằng người châu Âu đã đạt được tới mỹ cảm tối hậu dựa trên trật tự đức tin Catholics Roma. God mà ông nói tới, nếu ta đặt trong bối cảnh các lập luận của ông, thì chính là trật tự đức tin của Catholics Roma. Nietzche không phải là không có lý.

Sau Nietzche, nhiều trí thức quan trọng sau này của Âu Châu bắt đầu đi tìm kiếm các nguồn tri thức mới ở Á Châu, điển hình là sự tiếp cận tới Đạo Giáo và Phật Giáo.

Dựa vào hiểu biết trên, ta có thể gần như chắc chắn rằng, những vùng đất mà hệ tư tưởng được xây dựng trên những lời dối trá lớn – thì rất khó có thể đạt được tới trình độ cao siêu về nghệ thuật. Chính vì cái trật tự của lừa dối đó, người ta không còn có thể nhìn thấy sự thật một cách trực diện. Và cũng vì lừa dối, mà không còn sự tôn trọng dành cho bản thân. Và vì không nhìn ra sự tôn trọng dành cho bản thân, nên họ cũng không nhìn thấy được ý nguyện của Đấng Toàn Năng ở mình và ở người khác. Họ vĩnh viễn ko thể kết nối với đấng Siêu Việt.

Ở nơi này, trong mấy status trước đã nói về quẻ Địa Hỏa Minh Di – là quẻ trái ngược với quẻ Hỏa Địa Tấn. Hỏa Địa Tấn chính là đồ quý được đặt trên bệ thờ. Ngược lại, Địa Hỏa Minh Di có nghĩa là điều tốt đẹp bị làm vấy bẩn.

Khi Dostoievsky nói về thôi thúc của con người chỉ là một phần của con người toàn vẹn, ông cho rằng con người một khi có cơ hội sẽ thử nghiệm các thôi thúc đó, mang các thôi thúc đó vào đời thực. Dostoievsky viết thế này:

“Ban cho gã mọi phước lành trên đất, nhấn chìm gã trong sự hạnh phúc tới độ chẳng còn gì ngoài những bong bóng nổi lên nhảy múa trên niềm hạnh phúc vô bờ,… đúng lúc đó sự vô cảm và báng bổ bước ra từ lòng gã, và gã sẽ xuống tay với anh một cách ghê tởm. Gã thậm chí sẽ mạo hiểm với những chiếc bánh của mình, tìm tới những thứ chết chóc rác rưởi, chỉ đơn giản là mang vào hiện thực tích cực này những điều gớm ghiếc từ trong gã… đơn giản chỉ để chứng minh rằng gã vẫn là một con người chứ không phải là một phím đàn piano”

Thiên tài ở ông chính là ông nhìn ra rằng con người vĩnh viễn không xứng đáng với một xã hội không tưởng – Utopia, bởi ngay sau khi bước vào xã hội đó, người ta sẽ hủy hoại nó. Ông có câu trả lời cho người Nga gần 50 năm trước khi cách mạng tháng 10 nổ ra.

Nếu nhân loại không kiên quyết đi con đường đó, không dám chấp nhận đương đầu với mọi thử thách đáng sợ nhất trên con đường tới gần hơn với Đấng Toàn Năng, chúng ta có xứng đáng tồn tại không?

Con người là tạo vật của một hoặc nhiều các sinh mệnh siêu việt. Bởi vì khác với tất cả các sinh vật khác trên đất, người đời sẵn sàng phá bỏ tiện nghi sẵn có để hướng tới một trật tự mà ở đó, mỹ cảm từ trật tự đó đưa người ta tới gần với Đấng Toàn Năng hơn.

Phải chăng rằng trong mỗi con người đều có một lời ước hẹn, một hiệp ước (covenant) với sự thánh khiết nội tâm, rằng một khi còn tồn tại trong cõi đời này, bất luận năm tháng đi qua, cũng sẽ không ngừng kiếm tìm, không ngừng đi tới cùng trời cuối đất, chấp nhận bất kỳ sự hy sinh nào để hoàn thành một thệ ước thần thánh trong lòng?

Người đời cầu nguyện Thần – Phật, nhưng cái giá để tới cõi Thần Phật là gì?

(Andrew Nguyen)