Câu chuyện về Abraham trong Cựu Ước là một câu chuyện hết sức quan trọng. Thiết nghĩ nếu bạn không phải là người có Đức Tin Christianity – bạn cũng nên mang theo câu chuyện này trong lòng, đây là một câu chuyện rất đẹp.
Như đã viết ở hai ly cà phê trước về việc Đấng Yhwh sai Abraham bỏ xứ đi, ban phước cho vợ Abraham là Sarai để bà sinh được con trai là Isaac. Abraham là cha của Ishmael, tổ phụ của dân Ả Rập, và Isaac là tổ phụ của dân Do Thái.
Ishamel là con của Abraham với người hầu Ai Cập. Người nữ này hầu hạ Sarai. Mãi mà Sarai không có con, nên Sarai cho người hầu của mình ăn ở với Abraham. Người hầu này có mang, sinh ra Ishamel. Đấng Yhwh nói với Abraham rằng Thần sẽ giữ giao ước với Abraham qua Isaac, và vì vậy, Ishamel phải bỏ đi cùng mẹ.
Sự kiện gần đây là dân Ả Rập và dân Do Thái đã hòa bình với nhau nhờ công của chính quyền Tổng Thống Donald Trump, xem ra là một sự việc hết sức đặc biệt. Vậy nên cũng viết cho xong ly cà phê này.
Thực ra, bài học mà ta học được từ câu chuyện của Abraham, chính là
Mỗi người trong chúng ta, hễ còn sinh sống trong cuộc đời này đều có một sứ mệnh. Và sứ mệnh đó chính là hoàn thành giao ước với phần thánh khiết nhất, tốt đẹp nhất trong lòng mình. Con người có hình ảnh của Thần, và phần thánh khiết nhất của con người, chính là sự kết nối với Thần.
Nếu như thời gian chỉ là một ảo giác, thì có nghĩa là phần thánh khiết nhất trong mỗi con người vẫn luôn tồn tại. Tức là ta luôn có giao ước với phần tốt đẹp nhất trong tâm hồn mình, phần tốt đẹp nhất mà ta có thể trở thành mang hình ảnh của Thần. Liệu rằng ta có giữ được giao ước đó hay không?
Abraham giữ giao ước đó. Ông đã già, nhưng ông vẫn nghe lời Đấng Yhwh dấn thân vào vùng đất xa lạ. Rồi khi đấng Yhwh thử lòng ông, muốn ông hiến tế đứa con của mình là Isaac. Ông vẫn giữ lời.
Đây là một chi tiết hết sức đáng sợ, và là chi tiết trung tâm trong câu chuyện của Abraham. Hai vợ chồng già vất vả lắm mới có được một đứa trẻ. Đứa bé mà hai vợ chồng mong ngóng biết bao lâu mới xuất hiện, khi Sarai đã rất già là một kỳ tích. Nhìn đứa trẻ lớn lên, đáng yêu biết bao. Vợ chồng Abraham về già, chỉ có thể nương nhờ vào Isaac. Isaac không chỉ là niềm vui, mà còn là hy vọng nương tựa tuổi già những năm sau cùng của hai vợ chồng.
Nhưng Đấng Yhwh muốn Abraham hiến tế đứa bé.
Abraham biết Sarai chịu không nổi, đành phải dối vợ, mang đứa bé tới một nơi. Đứa trẻ rất ngây thơ, vẫn đi theo Abraham. Tới phiến đá, Abraham trói đứa bé lại, rồi chuẩn bị nghi thức hiến tế. Đây là một giây phút hết sức đau đớn. Bởi Isaac là sự liên kết duy nhất còn lại sau Sarai mà Abraham có với thế tục. Một đứa trẻ con rất đáng thương, sau lại phải đối diện với chính cảnh cha mình cắt cổ, đó là một giây phút hết sức đáng sợ.
Jesus lúc thụ nạn trên thập tự, cũng không khỏi cảm giác bị ruồng bỏ, ngẩng mặt lên trời: “Eloi Eloi! Sao ngài bỏ con!”
Isaac chỉ mới là một đứa bé , lại phải đối diện cảnh đó. Đương nhiên là sự thống khổ trong lòng Abraham không thể diễn tả thành lời. Có thể trong đời, ta buộc phải gặp tình huống nhìn con trẻ đau đớn trên giường bệnh, ít thì trách mình bất lực, nhiều thì cảm thấy tội lỗi, chỉ muốn nằm xuống bệnh thay.
Tới cả khi buộc phải chọn giữa sinh mạng mình và bào thai lúc vượt cạn, nhiều người mẹ đã sẵn sàng nhường cho thai nhi được sống. Sarai chắc chắn là không chịu nổi tình huống đó. Và Abraham , ông yêu Sarai biết bao nhiêu, ông cũng yêu thương đứa trẻ này biết bao nhiêu.
Dostoievsky trong Anh em nhà Karamazov đã từng chạm vào tình huống này. Một câu hỏi mà ai cũng từng thử hỏi trong đời, nếu như cuộc đời của một người quá khổ, sống làm gì nữa cho phiền phức, chi bằng nếu có thể, giết phứt họ đi cho xong, số tài sản còn lại của họ, có thể giúp ích cho mình được một vài việc, thế nên đời sống của mình có thể sẽ ý nghĩa hơn? Nhưng sự tình không đơn giản như thế. Kẻ lý trí như Ivan vốn đã có thể nghĩ như thế, nhưng khi Ivan trải qua chuyện đó, gã nhận ra rằng một Ivan trước khi giết người và Ivan sau giết người là hoàn toàn khác nhau.
Giết đi một mạng người tội lỗi lớn đến chừng nào? Là lớn tương đương với việc ngăn chặn người đó hoàn thành nguyện ý của Đấng Toàn Năng lên cuộc đời họ.
Sau khi giết Isaac, Abraham còn gì trong cuộc đời này? Bảo đảm là một tâm hồn hết sức đau khổ, sống bên cạnh một tâm hồn đau khổ khác. Bởi vì Sarai không thấy đứa bé trở về, bà hỏi Abraham thì ông trả lời ra sao? Đấng Yhwh bắt hai vợ chồng bỏ xứ ra đi, đói khổ trong sa mạc bao nhiêu năm, tới khi có được một đứa bé lại bắt giết đi để hiến tế, gia súc không có thiếu, tại sao lại là đứa trẻ vô tội kia?
Abraham chấp nhận con đường đau đớn đó, ông giữ giao ước tới cùng với đấng Yhwh, nên xuống tay với Isaac. Nếu như Isaac nằm trên phiến đá lúc này, hỏi Abraham cùng một câu là Jesus hỏi đấng Yhwh: “Sao cha bỏ con?” không biết Abraham có dũng khí tiếp tục hay không?
Nếu như bạn xem một bộ phim về Noah, do Hollywood làm lại, tài tử Russel Crowe đóng vai chính. Cảnh tượng Noah trên thuyền cầm dao chuẩn bị đâm xuống đầu cặp song sinh nữ con của Sham là có nhắc lại tình huống này. Đây là một chi tiết có liên hệ tới tình huống tương tự của Abraham, nhưng Noah làm không nổi, ông sau bỏ cuộc – Noah (Russel Crowe) ngẩng mặt nhìn trời, “I cannot do this!” Thực ra đây là một chi tiết được thêm vào. Noah là người có đức hạnh. Trong Cựu Ước, ngoài Abraham, chỉ có Noah là có thể walk with God.
Nghĩa là, theo giác độ của người viết kịch bản Noah’s Ark, dẫu là một người đức hạnh như Noah, cũng không thể làm tới mức đó như Abraham.
Trở lại với Abraham, ông vẫn xuống tay, chấp nhận tuân giữ giao ước với đấng Yhwh tới cùng, bất chấp hủy diệt đi sinh mệnh mình yêu quý nhất.
Đấng Yhwh sai thiên thần xuất hiện, giữ tay ông lại.
Thần nói Abraham dừng lại, vì thần đã biết Abraham kính sợ ngài.
Khoa học hiện đại biết rằng bộ phận prefontal cortex trước trán là nơi kiểm soát sự sợ hãi. Thiên tư của con người là sợ khổ. Nóng quá cũng khổ, lạnh khổ, cô đơn khổ, buồn khổ, đời sống vô nghĩa cũng khổ. Nhưng kỳ lạ là thế này, biết sợ một chút, đầu óc mới thông minh. Vấn đề là ta nên biết sợ điều gì?
Người ta nuôi chuột bạch làm thí nghiệm, muốn chuột bạch chạy cho hết cái mê cung, hay làm theo ý của người làm thí nghiệm… thì phải để cho con chuột đói một chút. Đói thì giác quan mới nhạy bén mùi thức ăn, có như vậy mới nỗ lực chú ý nhớ được con đường ngắn nhất trong mê cung mà tìm thức ăn. Thực vậy, muốn nuôi chó khôn, đa phần người ta để cho con vật hơi đói. Vì hơi đói, huấn luyện nó mới nghe lời. Chẳng phải con trẻ biết sợ thì mới dễ giáo dưỡng hay sao?
Lúc đệ tử hỏi đức Milarepa là động lực đâu giúp ngài tu thành. Vì ngài tu quá khổ, chịu đựng hết sức thống khổ, kể cả trước và sau khi được Thượng Sư Maropa truyền thụ, ngài vẫn hết sức khổ sở. Đức Milarepa trả lời đơn giản là ngài sợ, vì ngài lỡ giết người, nên ngài sợ kiếp sau đọa ác thú, vì vậy mà nỗ lực tinh tấn tu luyện.
Nhưng trong trường hợp này, Abraham sợ điều gì? Ông sợ không tuân giữ lời với đấng Yhwh, hay ông sợ cơn thịnh nộ của đấng Yhwh?
Không thể biết, chỉ biết là ông giữ thệ ước tới cùng. Nên đấng Yhwh ban phước cho ông, đất trời tin tưởng ông, vạn vật đều nương nhờ nơi ông. Con cháu của ông là dân Ả Rập và Do Thái hết sức thông minh, sau bao cuộc binh biến, khổ nạn, vẫn tồn tại và phục quốc thành công, nay lại có thể sinh sống hòa bình với nhau.
Ly cà phê này vốn đã định kết thúc từ trước, nhưng vẫn còn một số khái niệm cần phải làm rõ, nên sau đó xuất hiện cà phê Vô Tri, các status sau đó lí giải thêm. Hy vọng lời lẽ chật hẹp thô thiển có thể nhắc bạn rằng
Tất cả mỗi người trong chúng ta đều tồn tại nguyện ý của Đấng Toàn Năng bên trong. Chỉ là bạn có quyết định hoàn thành covenant đó hay không?
Có thể thử thách trong đời không tới như Abraham phải giết con trẻ, nhưng đảm bảo là rất nhiều lúc phải trải qua tình huống không kém phần đau đớn.
Tất nhiên, như đã nói, một khi cho rằng thời gian là ảo giác, thì
Điều tốt đẹp và thánh khiết nhất trong mỗi người cũng tồn tại song song với điều tệ hại và xấu xa nhất. Hai người họ đều đồng tại, và bạn muốn giữ giao ước với ai? Chỉ có thể là một trong hai.
Apocalypse 16: Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhổ ngươi ra khỏi miệng ta.
Thế nào là yêu thương một con người? Dostoievsky nói rằng: Yêu thương một người là nhìn thấy nguyện ý của Đấng Toàn Năng trong họ.
Nếu bạn yêu thương bản thân mình, hãy nghĩ tới nguyện ý của Đấng Toàn Năng lên cuộc đời mình, và sẵn sàng làm mọi điều có thể, để giữ giao ước với điều thánh khiết tốt đẹp nhất đó.
Người Do Thái có một tổ phụ Abraham, người Việt Nam cũng chính là đang có những “Abraham” như vậy, đi tới cùng con đường của mình.
Vì họ giữ giao ước với lương tâm của mình, nên đất trời sẽ tín thác nơi họ. Sự thịnh vượng của quốc gia sẽ khởi nguồn từ họ. Ly cà phê Covenant, xin khép lại ở đây.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment