Hy vọng qua mấy status này, có thể khơi lại sự tò mò đối với Đạo Giáo và Tin Lành.
Tại sao các quốc gia Tin Lành là những quốc gia hào phóng, giàu có, và phát triển nhất? Tại sao các khoa học gia hàng đầu từ những xứ sở này (Đức, Denmark, Switzerland,…) lại tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận từ Đạo Giáo?
Carl Jung đã từng giải thích thế này.
Khoa học Tây Phương, bản thân nó chỉ nên được nhìn nhận là một phương tiện (serve) giúp con người tiếp cận tới sự thật, chứ không thể là thứ duy nhất dẫn đường con người tới sự thật (science-oriented).
Dẫn đường (orientate), và phục vụ (serve) là hai tình huống khác nhau. Đối với Jung, khoa học không thể ở vị trí thượng tôn. Các bài viết của ông không bị gò bó bởi các quy chuẩn viết lách của khoa học đương thời, thực tình là ông không muốn người ta nhìn nhận ông là nhà khoa học.
Có một lần, một người bạn của Jung đặt một câu hỏi thế này: “Anh có tưởng tượng rằng một dân tộc hết sức thông minh như người Trung Hoa lại không có khoa học?” Người này từng giữ chức President of British Anthropological Society.
Jung trả lời: “Họ có chứ, chỉ là anh không hiểu. Khoa học của họ không dựa trên nguyên tắc quan hệ nguyên nhân và kết quả (principle of causality). Và đương nhiên cái nguyên tắc đó không phải là nguyên tắc duy nhất; nó chỉ mang tính tương đối.”
Vật Lý Hiện Đại không thể gọi tên nguyên tắc đó là gì, nhưng người Hoa thì có, và có từ vài ngàn năm trước. Họ gọi là Đạo – Tao. Một người bạn của Jung tên là McDougall có một học trò người Hoa, và ông hỏi người này rằng rốt cuộc Đạo là gì.
Jung cho rằng sai lầm của tâm hồn Tây Phương là ở chỗ đó. Khiếm khuyết của nó chính là nó phải cô lập được đối tượng cần nhắc tới, quan sát, mổ xẻ, phân tích dưới nhiều giác độ khác nhau. Để làm như thế cần có cái nhìn toàn diện về đối tượng.
Người học trò trả lời: “Không thể biết!” McDougall không hài lòng. Người này ra ban công chỉ ra đường phố, hỏi McDougall thấy cái gì.
“Con đường, nhà phố.”
“Gì nữa”
“Xe cộ”
“Gì nữa”
“Đồi”
“Gì nữa”
“Cây”
“Còn nữa mà!”
“Gió thổi phải không?”
Người học trò đưa tay lên trời: “Đạo đó!”
Đạo là như vậy, tuy không biết nó, không thấy nó, nhưng nó vẫn ở đó. Khi trí huệ người đời được khai mở, họ thấy thêm được một chút, biết thêm được một chút nữa. Chứ không phải sự tình chỉ có tới đó là dừng.
Người Tây Phương luôn đặt ra các khái niệm, nhưng đối với Jung, có một độc tài đang trốn ở trong các khái niệm. Bởi vì người đi trước nhìn ra được một chuyện, cho nó là như thế, đặt định khái niệm nó là như thế, người sau chỉ theo đó mà nghiên cứu, nên khoa học Tây Phương dần tiến vào ngõ cụt, đặc biệt là trong lĩnh vực Vật Lý.
Hay như người ta có thể đọc Đạo Đức Kinh, hôm nay hiểu được một tình huống. Hôm sau đọc lại, lại thấy hiểu ra được một tình huống khác. Thực ra tất cả các tình huống vẫn là ở trong sách đó, nhưng chỉ là tâm trí không thể tiếp thụ được thôi.
Ngay cả đối với kinh Phật, sự tình cũng là như vậy, trong số người tu ai dám nói mình hiểu hết được cảnh giới tâm hồn của Đức Phật Thích Ca, mà dám nhận mình là Phật?
Người ta hâm mộ ông thầy chùa này, suy tôn là La Hán, hâm mộ ông thầy chùa kia, gọi là “kiến tính” thành Phật rồi. Kiêu ngạo hết sức!
Kiêu ngạo tới độ xé luôn kinh Phật như Huệ Năng. Ông không đọc, thì để đệ tử ông đọc. Ông không đọc thì người khác đọc. Họ thấy được điều gì thì thấy, ngộ được gì thì ngộ. Cớ gì ông xé đi? Đức Phật Thích Ca tới hạt cơm còn trân quý, gỗ nghiền làm giấy, đóng thành tập, rồi mất công chép lại lời Đức Phật, bao nhiêu công sức, không đáng quý sao?
Đạo là tất cả mọi thứ. Đông Quách Tử bắt bẻ Trang Tử, vì không hiểu lời Trang Tử, cho là luôn huyền hoặc, mâu thuẫn. Hỏi Trang Tử rằng:
“Cái gọi là Đạo ở đâu? Không có chỗ nào là không có Nó. Xin chỉ ra mới được!”
Trang Tử nói: “Trong con kiến.”
Đông Quách Tử nói: “Thấp hơn nữa!”
“Trong cọng cỏ.”
“Thấp hơn nữa!”
“Trong miếng sành vỡ.”
“Thấp hơn nữa!”
“Trong cục phân.”
Đông Quách Tử không hỏi nữa.
Carl Jung dùng từ synchronicity (tiếng Đức: Synchronizität) để nói về Đạo – ý nghĩa là sự tương đồng và đối ứng liên tục giữa các tầng không gian khác nhau. (vd, điềm báo, quẻ tượng…)
Chính nhờ giác độ này, sự đối ứng của tình huống thiên văn, lên tình huống xã hội con người, rồi từ đó phản ảnh lên tâm lý, các sự kiện sau đó phát sinh, mà Carl Jung đặc biệt quan tâm tới Kinh Dịch.
Như đã nói, tinh thần của Kinh Dịch: Tất Nhiên Là Có Nguyên Do, và Ngẫu Nhiên Là Không Tồn Tại.
Carl Jung minh họa sự khác biệt giữa tâm hồn Tây Phương và Đông Phương thế này:
Bạn đứng trên bờ biển và các cơn sóng đánh dạt vào bờ một cái mũ, một chiếc giày, một chiếc hộp cũ,… Bạn nhìn vào đó và nói: “Ngẫu nhiên thôi! Chẳng có nghĩa gì!” Nhưng tâm hồn Trung Hoa sẽ có câu hỏi thế này: “Mình gặp tình huống này là có ý nghĩa gì nhỉ?”
Carl Jung đặc biệt quan tâm tới việc giải mộng, không phải vì Freud có mối quan tâm đó, ngay cả nếu Freud không nhắc gì tới, tự nhiên Carl Jung cũng sẽ quan tâm tới việc giải mộng, và các biểu tượng cùng tổ hợp trong giấc mộng của bệnh nhân.
Cho nên, đối với tâm hồn Trung Hoa nói riêng và Á Đông nói chung, thời gian là một đường tròn. Tình huống năm Canh Tý này, đã xảy ra cách đây 1140 năm.
Ký ức về năm đó như thế nào, không còn mấy tài liệu ghi lại. Nhưng sự tổ hợp và quá trình diễn tiến của các tình huống lại tương đồng.
Cơ sự đó, mà từ xa xưa, người Hoa có dạy con trẻ: Canh Tý Chi Tai.
Carl Jung phát hiện ra chuyện đó. Ông không hề đơn độc, còn có rất nhiều trí giả khác như Niels Bohr, Richard Wilhem,…
Cho nên xem quẻ, kỳ thực chẳng có gì huyền bí. Bạn nhìn ra mỗi một vật thể trên đời đều có thể xếp đặt nó tương ứng với từng quái, vd. Càn, Đoài,… Xem quẻ, cũng chính là nhìn ra cái tình huống của Đạo, hay như Carl Jung nhìn nhận, là synchronicity.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment