Truy cầu tự nó không có gì xấu. Không cầu Phật, không cầu Đạo, sao biết đường nào mà tu? Tự thân sự truy cầu nó không phải là vấn đề. Vấn đề là bạn truy cầu điều gì.

Nỗi sợ tự thân nó không hề xấu. Đức Milarepa lỡ giết người, sợ bị thác sinh làm động vật nên hết sức chịu khó, không nề hà tu luyện. Thượng Sư Marpa muốn tiêu trừ nghiệp chướng trên thân ông, bắt ông phải xây tháp thờ Phật, ông xây xong thì Thượng Sư đổi ý, bắt đập đi, tới lui như vậy 9 lần. Không nghe thì không truyền Phật Pháp.

Tới độ vợ của Thượng Sư Marpa cũng chịu không nổi, vì thấy Milarepa quá khổ, bà gửi Milarepa tới chỗ một người thầy khác tu học, người này là học trò của Marpa. Milarepa tới học, nhưng vẫn không được ấn chứng từ Marpa, nên học mãi không có tiến triển.

Người thầy kia nhận ra vấn đề, trả lại Milarepa về với Thượng Sư Marpa. Marpa tiếp tục đày đọa ông. Tới lúc ông sức cùng lực kiệt, thấy rằng chẳng còn hy vọng gì đắc được Phật Pháp nữa. Ông lấy sợi dây, vắt lên cây, treo cổ. Thượng Sư Marpa thấy không đành, sau truyền Phật Pháp. Từ đó Milarepa tinh tấn tu học, trải qua năm tháng thiền định trong hang đá, ăn lá tầm ma tới xanh người, cuối cùng cũng đắc quả.

Hay như Abraham, ông sợ điều gì mà giết Isaac. Là ông sợ Đấng Yhwh của ông. Nên ông giữ giao ước tới cuối cùng.

Rất nhiều người trong đời có nỗi sợ thế tục như sợ nghèo, sợ đói, sợ lạnh, sợ cô đơn, sợ không tìm được người yêu, sợ người thân vất vả…

Những nỗi sợ đó không phải là vấn đề, vì biết sợ mới hành động, mới từ nỗi sợ mà chịu khó làm việc, thiết lập các trật tự mới trong nội tâm. Khi loại bỏ được cái sợ kia đi rồi, thì người ta mới có thể vững vàng trong đời sống.

Thực vậy,

Chúng ta không ngừng sợ những thứ cao lớn hơn mình, và giải quyết những nỗi sợ đó cũng làm tâm hồn ta không ngừng lớn lên.

Người ta sẽ ngừng trưởng thành về nội tâm nếu thay vì kính sợ Thần Phật, lại đi sợ một tổ chức thế tục.

Tại sao tiên tri Jesus từ chối nhận lời giao ước với Satan trong hoang địa? Tại sao ông không làm Hoàng Đế thế chỗ Caesar? Chẳng phải đó là mang lại vinh diệu cho dân Do Thái hay sao, cần gì phải chờ người Ý dựng lên một nhà thờ Catholics đi rao giảng về nước Chúa sau này? Là bởi vì mọi quyền hành thế tục trên đất, đều nằm dưới Đức Tin.

Dostoievsky có lần nhắc lại tình huống này trong chương Đại Pháp Quan Tôn Giáo (Anh Em Nhà Karamazov). Khi Jesus quay trở lại thành phố Seville, làm một số phép lạ, viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo (thuộc nhà thờ Catholics) nhốt ông vào ngục, rồi tra khảo về ba sai lầm của ông.

Thứ nhất, là Jesus dám nói rằng con người không thể chỉ sống vì bánh mì. Thứ hai, là từ chối lời thỏa hiệp với Satan để xây dựng đế chế trên đất. Thứ ba là không thử thách quyền năng của Yhwh. Viên Đại Pháp Quan nói rằng ngày hôm sau sẽ đưa Jesus lên giàn hỏa thiêu. Vì quyền lợi thế tục của Giáo Hội, ông không ngại giết chúa Jesus lần nữa.

Thông điệp của Dostoievsky là gì? Là nếu như chúa Jesus có quay lại, thì người hại chúa Jesus đầu tiên, vẫn chính là người nhân danh Jesus chiếm lấy các quyền lợi thế tục trên đất. Cụ thể, chính là nhà thờ Catholics do người Ý dựng nên. Bởi chính những người đó làm ngược lại giáo nghĩa của Jesus, và nhân danh Jesus để tước đoạt đi món quà quý giá nhất mà Jesus đánh đổi cho dân Do Thái bằng cách chịu bị đóng đinh trên thập tự giá.

Món quà đó có tên là Tự Do.

Tại sao Carl Jung, một kỳ tài tiên phong trong tâm lý trị liệu (Psychotherapy) lại khẳng định rằng nếu như con người theo đuổi các cực hạn đạo đức (moral extreme) của Đức Tin thì tâm lý trị liệu sẽ không còn cần thiết nữa? Chẳng phải ông là nhà nghiên cứu khoa học sao?

Bởi ông biết rất rõ quyền năng của Đức Tin.

Thực vậy, Đức Phật có quay lại cõi này, tăng lữ Phật Giáo bây giờ sẽ là người công kích ông trước tiên, bởi đại đa số tôn giáo hiện giờ vẫn chỉ là nhóm người nhân danh giác giả để tư lợi chuyện thế tục.

Đó là hai tình huống hết sức phức tạp: hoặc là người ta lợi dụng giác giả, hai là người ta sẽ từ chối giác giả, để tước đoạt đi sự Tự Do mà giác giả giành lấy cho con người.

Cơn sóng dữ của thời cuộc sắp tới, dù cho bạn không cảm thấy đi chăng nữa, dù bạn còn sống ở xứ nào đi chăng nữa, xin hãy nhớ rằng Tự Do là món quà mà Thần Phật ban cho bạn.

Không một ai hay tình huống thế tục nào cao hơn món quà đó. Và một khi bạn còn nhớ rằng trong sinh mệnh của mình có món quà đó, không một ai có quyền trên bạn, ước chế bạn làm điều bạn không muốn, trừ khi bạn cho phép nó.

Con người Tự Do là con người biết kính sợ Thần Phật, chứ không kính sợ kẻ khác.

Fear GODS, not PEOPLE.