Socrates có lần thảo luận với Cephalus về “Công Lý” – Justice. Cephalus nói rằng “Công Lý” cũng như nói lẽ thật và trả nợ. 

Socrates nhanh chóng bác bỏ, bởi Socrates cho rằng bối cảnh của việc thực thi công lý cũng hết sức quan trọng, ví như mượn một món võ khí từ người bạn. Đợi lúc người bạn này thần trí không tỉnh táo thì mang trả lại là một hành vi không thích hợp. Trả lại cho bạn rồi, bạn đi giết người, tội đó mình có gánh không? Socrates cho là có liên can.

Đây là một câu hỏi tế nhị. Nhớ năm nào Aung San ở Myanmar làm nên chuyện, người Nhật rất nhanh chóng xóa hết nợ cũ, không rõ lý do gì? Có lẽ những đồng tiền hết sức tanh tưởi, không thể lấy lại được.

Đức Phật bỏ hoàng cung đi tu, sau đắc quả, dân các xứ hết sức kính phục. Chỉ là có một lần, tộc Thích Ca của ông làm chuyện dối trá.

Vua của xứ lân cận kính ngưỡng Đức Phật, muốn được lấy một công chúa của tộc Thích Ca về làm vương hậu. Tộc Thích Ca khinh miệt dòng dõi vị vua kia, nên lấy một nữ nô lệ đem gả, nói dối là con nhà quý tộc.

Vị vua xứ này hết sức yêu thương người con gái này, sinh ra được một hoàng tử. Hoàng tử này lớn, muốn được về thăm ngoại. Về thăm ngoại thì tộc Thích Ca coi thường, sau bí mật bị lộ ra.

Hoàng Tử này giữ mối thù trong lòng, sau kế thừa ngôi vua. Ông đem quân hủy diệt luôn tộc Thích Ca. Đức Phật gặp vị vua này ba lần, vị vua bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với đức Phật, nên kìm được cơn giận ba lần.

Tới lần thứ tư thì không bình tĩnh được nữa, nên đại khai sát giới. Trong dòng họ có người tu thành Chân Như Lai, vậy mà cả họ cũng không thoát khỏi tai ương. Đức Phật dẫu có thần thông, ông cũng không thể can thiệp.

Cephalus cho rằng con người có thể quyết định được thế nào là Công Lý, nói lẽ thật, có vay có trả.

Socrates không cho rằng như thế. Mỗi một hành động của con người, dù có thành ý tốt đẹp đến như thế nào đi chăng nữa, trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau sẽ có những kết quả khác nhau.

Trong nhà Phật có câu chuyện một nhà sư tu thành, phát hiện trong kiếp trước có giết người, người này kiếp này chuyển sinh thành cướp tới đòi. Nên ông nửa đêm ra trước cửa chùa ngồi chờ.

Người kia cầm đao tới nạt, hòa thượng nói chuyện biết mình sắp chết, ngồi chờ đại kết cục. Người ăn cướp kia nghĩ tới chuyện oan oan tương báo, phóng hạ đồ đao, phát nguyện tu hành.

Nhưng câu chuyện của Đức Phật rất kỳ lạ, ba lần vị vua trẻ kia gặp Đức Phật, sao ngài không nói nhân duyên tiền kiếp? Vị vua kia đằng đằng sát khí, nhưng không phải là không có lòng tôn kính, ba lần thấy đức Phật ngồi bên đường thì ba lần lui binh. Không cần là phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật, chí ít là thiện giải ân oán năm xưa, xem ra cũng giữ được bao nhiêu mạng người, phải vậy không?

Nhưng đức Phật nói, trong một đời ngài sinh sống ở trong một ngôi làng, cả làng kéo lưới bắt cá, ngài ăn chay nên chỉ nghịch gõ ba cái lên đầu con cá lớn nhất. Con cá đó sau này chuyển sinh thành vị vua kia. Nhân quả đó, ngài không thể can dự tới. Cũng như chuyện cả dòng tộc Thích Ca bị giết chết, ngài cũng ko thể can dự tới.

Có lần Jesus, tiên tri của người Do Thái, gặp một số người, những người này đều thích nghe ông giảng đạo lý. Sau họ hỏi ông rằng họ có phải đóng thuế cho Caesar hay không, vì họ nghe lời ông, và ông là con độc sinh của đấng Yhwh, mà đấng Yhwh là đấng bảo hộ và giữ giao ước với tổ phụ của người Do Thái.

Nếu như thế, thì thay vì đóng thuế cho người La Mã, phải chăng xây đền thờ cho dân Do Thái, hay đóng góp một ít phúc lợi nào đó cho dân mà đấng Yhwh có giao ước, chẳng phải như vậy tốt hơn sao. Lúc đó Jesus trả lời: “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Caesar !”

Dân Do Thái cần tài phú, nhưng cái tài phú đó lại thuộc sự bảo hộ của Caesar . Mỗi đồng tiền đều có khắc hình hoàng đế La Mã. Mà người hiện đại biết rõ một chuyện thế này, đồng tiền là một loại giấy nợ từ phía chính quyền, người ta tin chính quyền nào hơn, thì đồng tiền của xứ đó có giá hơn.

Một ông Ben (100USD) có giá hơn 600 ông Mao là một ví dụ như thế. Dân Do Thái lúc đó không hề mạnh mẽ, cả xứ đang dưới ách cai trị của người La Mã. Còn dựa vào người La Mã để duy trì trật tự xã hội. Không biết họ hiểu lời của tiên tri này thế nào? Sau khi ngài thụ hình, dân Do Thái mới có dũng khí để nổi dậy chống lại người La Mã.

Bên cạnh Socrates, Đức Phật Thích Ca, ngay cả tiên tri của người Do Thái là Jesus cũng hiểu rằng có những chuyện nhân quả mà tới vị thần của dân Do Thái cũng không thể can dự.

Tức là có một quy luật nào đó, vượt lên trên sự tồn tại của tất cả các Đức Tin, mà sự vận hành của quy luật đó bao hàm toàn bộ thời gian và không gian, các trật tự của nó không thể để cho các sinh mệnh, dẫu có quyền năng đến đâu, có thể can thiệp.

“Đạo Khả Đạo, Phi Thường Đạo” – Lão Tử nói có thể gọi là Đạo, nhưng là Phi Thường Đạo. Trang Tử đời sau, nói đó là thứ “Không Đâu Không Có!”

Nói trái ngược với họ, là những người tu Thiền Tông. Họ tìm không thấy, cho rằng không có, cái gì cũng sẽ thành không. Nếu tất cả đều là không, thì tốt nhất là không nên nói tới tất cả. Trước sau là không có gì, họ nghĩ là vậy nên cũng là không có gì để nói. Mình không biết là có là do mình vô minh, chứ không có nghĩa là không hề có.

Kỳ thực vẫn là có, và cái có đó, ngay cả Đức Phật, Jesus, Yhwh, và Lão-Trang đều nói tới, chỉ là cái đó không thể nắm bắt, vì họ vẫn còn ở trong nó, chịu sự ước thúc, và không được làm trái với quy luật của nó.

Bạn đọc các status ở trang này đều thấy rằng những ly cà phê nhiều khi rẽ ngang một cách lãng xẹt. Là trong tâm hồn bạn không nhìn thấy liên kết đó, chứ không phải là không có. Nhưng đảm bảo là bạn hiểu một điều, ngôn ngữ có cái giới hạn của nó, vậy thì thay vì đọc từng chữ, xin hãy nhớ hình ảnh, từ biểu tượng mà ghi nhớ tình huống, biết đâu sẽ dễ dàng hơn.

Cảm ứng pha ly cà phê này, chính là thấy một bức ảnh trên facebook về con mắt của thần Horus. Người ta chia sẻ nhiều chuyện, mà không để ý tới thông điệp của biểu tượng con mắt của thần Horus.

 

Osiris là một chính thần của người Ai Cập, ông là vị vua sáng suốt và anh minh. Ông có người em, tên là Seth (cũng có nơi gọi là Sat), là một phiên bản của Satan trong thần thoại Ai Cập.

 

Seth luôn ghen tức với anh mình. Osiris không phải là không biết chuyện, nhưng cũng không quá sức khắc nghiệt với em mình, có thể xem là … mắt nhắm mắt mở cho sự độc ác của đứa em.

 

Cho tới một ngày, Osiris hơi già, và có hơi lẫn lẫn, Seth chiếm ngôi, giết Osiris, chặt xác làm nhiều mảnh và ném đi các vùng khác nhau ở Ai Cập.

 

Vợ của Osiris là nữ thần Isis nỗ lực đi nhặt xác chồng ghép lại. Osiris không thể phục hồi lại hoàn toàn, nhưng cũng đủ để làm Isis mang thai Horus. Horus sau này được nuôi lớn, báo thù cho Osiris, lấy lại ngôi vị.

 

Phiên bản này cũng tương tự như phiên bản Thor và Loki trong thần thoại Bắc Âu, hay trong văn hóa đại chúng là Mufasa và Scar trong Vua Sư Tử, hay Batman và Joker trong thế giới truyện tranh của DC.

Biểu tượng con mắt của Horus là một biểu tượng quan trọng. Tình huống của Osiris bị lật đổ chính là vì ông hữu ý mù lòa (willful blindness) hay cố tình lờ đi vấn đề (willful ignorance). Kết quả của tình huống đó, là đổi lại ông phải trả giá cho sai lầm của mình. Sai lầm của Osiris chỉ được sửa chữa, khi nào ông từ bỏ sự hữu ý mù lòa đó, mà nhìn thẳng vào vấn đề, thông qua biểu tượng là con mắt Horus.

Con mắt Horus nhắc cho chúng ta biết rằng, có rất nhiều thứ loạn bậy trong đời mà ta cố tình lơ đi. Nhiều khi cái xấu đó ở bên ngoài, sau cũng len lỏi xuất hiện ở trong tâm hồn, từ chỗ một người có suy nghĩ đó và làm ngơ nó, tới cả cộng đồng chấp nhận sự tồn tại của nó. Cũng là tình huống chính khí của một sắc dân bị tiêu biến, và tà khí xuất hiện.

 

Một khi tà khí xuất hiện, cơ thể nếu không thể dùng con mắt Horus nhìn thẳng vào nó, và nỗ lực hủy diệt nó, thì kết cục là sự hủy diệt. Đối với cá nhân có thể là thất bại, hay cái chết. Đối với giống nòi là chiến tranh, ôn dịch, thiên tai.

Thông điệp từ con mắt Horus là thế này: dù muốn hay không, chúng ta phải luôn trả giá cho tất cả những hành vi mà chúng ta đã làm, và ngay cả khi hành vi đó là không làm gì cả. Bởi vì sớm hay muộn, trong năm tháng dù ngắn hay dài đằng đẵng của sinh mệnh, thì những thứ đó sẽ quay lại tìm chúng ta.

Và nếu như con người lơ là với những thứ xấu xa nhỏ, một ngày những thứ đó trở lại, sẽ ập tới cùng lúc như một con lũ lớn. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai.

Người Việt Nam rất tinh khôn, trong công chuyện làm ăn đều biết “uyển chuyển”, có nhiều chuyện đều biết “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Nhưng tại sao người Việt và người Hoa trong thế kỷ hai mươi lại không tạo ra nổi một sản phẩm tin cậy như người Đức hay người Hà Lan?

 

Là bởi vì đôi mắt của người Đức là đôi mắt nhìn chuyện nhỏ. Đôi mắt nhìn ra được những lỗi lầm nhỏ có thể gây điều tai hại, tai hại có thể dám tới trăm năm. Sắt thép của người Đức xài mấy chục năm còn bền, không phải là họ không nghĩ tới việc làm giá rẻ hơn để bán được nhiều, mà là vì họ nhắm tới chuyện lâu dài, uy tín là thứ không dễ một sớm một chiều mà có; kiên trì nỗ lực, đôi mắt nhìn tới chi tiết, tấm lòng phục thiện… là những thái độ đắc được sau cả một quá trình tu dưỡng lâu dài, không phải ngẫu nhiên mà có.

Cái đập Tam Hiệp kia xây được bao năm, nay dân trong xứ hoang mang, lo bể. Khui ra đủ thứ chuyện năm xưa thi công đập bớt xén vật thư thế nào, kỹ sư xây đập bè phái chính trị của ai? Chắc không ai nhớ dân Hà Lan nằm ở vùng đất trũng từ xa xưa, hỏi họ cái đập chắn sóng họ xây thế nào?

Con người kỳ lạ. Mỗi lần nhác thấy bóng hồng là trong đầu xuất hiện cảnh sắc tình, cho là thường tình nên không để ý. Thấy một chút tiền, liền nghĩ tới một vài thứ tiện nghi trong đời. Lâu dần lơ nó đi, không để ý tới nó, nó lớn thành con rồng, nó ập tới như lũ lớn.

Alexander Solzhenitsyn, tác giả của Quần Đảo Ngục Tù, sau tháng ngày bị đày đọa trong tù, cũng phát hiện ra rằng, tình cảnh xảy ra cho ông không phải là từ người Đức, cũng không phải từ Stalin, cũng không phải từ cai ngục đêm ngày hành hạ ông. Lỗi là ở tất cả chúng ta, có lẽ chúng ta không yêu tự do như chúng ta nghĩ. Cơn sóng dữ của thời đại ập lên dân tộc Nga chính là do người Nga tự chuốc lấy.

Có lẽ đối với rất nhiều chuyện bất công trong đời, ta nhắm bớt một mắt, xem là chuyện đời, không cần lưu tâm. Những suy nghĩ loạn bậy trong lòng, ta cũng nhắm bớt một mắt, xem là bản năng thường tình, không cần lo lắng.

Người ta bao che cho nhau, thích nói tới chuyện “đại cục“, bắt chước các Hoàng Đế Trung Hoa. Mà đâu có nghĩ tới chuyện, trước sau gì cái “đại cục” đó mở lối cho con sóng dữ thời đại hủy diệt họ? Bao nhiêu triều đại lụi tàn rồi?

Con mắt Horus có ý nghĩa như thế. Một cơn lũ lớn nữa của thời đại sắp tới, biết mấy ai tỉnh thức mà dùng con mắt Horus soi vào lòng mình.

“I think the devil doesn’t exist, but man has created him, he has created him in his own image and likeness.” – Fyordor Dostoievsky

Tôi nghĩ ma quỷ không tự nhiên tồn tại, người đời đã tạo ra chúng, và tạo ra chúng trong hình hài của con người.

“You’re going to pay a price for every bloody thing you do and everything you don’t do. You don’t get to choose to not pay a price. You get to choose which poison you’re going to take. That’s it.” Jordan B. Peterson

Anh phải trả giá cho bất kỳ thứ gì anh làm, và tất cả những thứ anh không làm. Anh chẳng có lựa chọn nào khác đâu. Anh buộc phải chọn uống liều thuốc độc này hay uống liều thuốc độc kia. Vậy thôi.”

(Andrew Nguyen)