- Quay lại thời điểm dân Do Thái còn làm nô lệ ở Ai Cập.
Dân Do Thái là chủng người do một vị thần tên là YHWH tạo ra. Tương tự như thần Prometheus của văn hóa Hy Lạp, ông rất trân quý tạo vật của mình. Nhưng khác với thần Prometheus, ông không dạy con người thói biển lận và gian trá.
Vì dạy con người lừa dối thần mà Prometheus bị giam cầm vào một tảng đá, đại bàng liên tục mổ gan của ông. Người La Mã và Hy Lạp sau đó được các thần khác giáo dưỡng, mãi cho tới thời kỳ Jesus xuất hiện thì họ chuyển sang thờ YHWH.
YHWH là một vị thần đặc biệt, ông liên tục gửi các tiên tri tới dạy dỗ người Do Thái. Trong một bối cảnh không gian tương đối nhỏ bé, người Do Thái đã trải qua liên tục các bài học lớn nhỏ khác nhau. Giai đoạn thịnh vượng được cai trị bởi vị vua thông sáng Solomon, hay giai đoạn bị đe dọa tới mức diệt vong, còn lại duy nhất một gia đình Noah sống sót.
Khi Jesus xuất hiện, đức tin vào YHWH của người Do Thái ảnh hưởng lên toàn cõi Âu Châu, lan sang Ấn Độ, và sau đó là Á Châu.
Dân Do Thái có một giai đoạn làm nô lệ cho Pharaoh hùng mạnh. Một ngày, Pharaoh lệnh cho tất cả các bé trai Do Thái đều phải bị dìm xuống sông Nile.
Mẹ của Moses không đành, nên thả ông trôi sông. Ông được con gái của Pharaoh phát hiện, và sau được nuôi nấng như một hoàng tử Ai Cập. Đây là một câu chuyện rất nổi tiếng. Moses sau lỡ tay giết một người Ai Cập trong lúc bảo vệ một người Do Thái, nên phải bỏ trốn.
Trên đường bỏ trốn, ông gặp đấng YHWH ở trong một bụi cây bốc cháy. YHWH ra lệnh cho Moses phải đưa dân Do Thái trở về Canaan.
Có lẽ chúng ta đều quen với câu chuyện này, Moses tới thuyết phục Pharaoh, ông làm nhiều phép lạ, hòng thuyết phục Pharaoh rằng YHWH ban cho Moses quyền năng. Pháp sư của Pharaoh cũng làm các phép thuật tương tự, nên Pharaoh cho rằng thần YHWH không có gì ghê gớm. Mãi sau thần YHWH làm cho các bé trai Ai Cập chết, Pharaoh mới chấp nhận thả dân Do Thái. (Đã dựng thành film).
Nhưng dân Do Thái làm nô lệ ở xứ của ông, xét một cách tổng thể thì họ là guồng máy kinh tế của cả xứ vào giai đoạn đó. Nay thả cho họ đi, trước sau gì xứ của ông cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt là không có nhân công cho các công trình trong xứ, sau là lớp quý tộc ở Ai Cập cũng cần người hầu hạ,…
Nay thả một đám người đi, mà chính đám người này từng ở trong xứ của ông, lại rành rẽ đường đi nước bước, biết rất nhiều chuyện. Ai dám chắc là sau này một khi trỗi dậy, họ không quay lại trả mối thù xưa, hay đe dọa xứ sở của ông?
Nên Pharaoh đuổi theo giết cho bằng được. Ông đuổi tới biển Hồng Hải, đó là nơi thần tích dân Do Thái vượt biển Hồng Hải xuất hiện.
Đó là bối cảnh, dân Do Thái sau đó không tới được xứ Canaan ngay, bởi ở xứ Canaan đang có người khổng lồ cư ngụ. Dân Do Thái vì vậy phải lang thang thêm 40 năm. Sau 40 năm đó là cuộc chiến đối với người Midianites. Sau khi thảm sát dân Midianites, lớp người Do Thái còn sót lại mới tới được vùng đất mà YHWH giành cho họ.
Nếu ta nhìn lại một chút, YHWH là một vị thần rất hà khắc. Tại sao ông không làm dân Ai Cập chết hẳn qua một dịch bệnh hay tai ương nào đó, trao lại mảnh đất đó cho dân Do Thái? Tại sao lại để dân Do Thái lang thang trong sa mạc, mà không chỉ 4 tháng, 4 năm,… mà là 40 năm. Dẫu sao ở Ai Cập, dù là nô lệ, nhưng họ vẫn có nơi sinh hoạt, và vẫn có lương thực. Có phải hơn lang thang bất định trong sa mạc hay không?
Hay là trong hành trình lang thang đó, chỉ những tâm hồn mạnh mẽ, dũng cảm và kiên trì mới đáng được đặt chân lên miền đất hứa?
Giữa việc chọn làm nô lệ và chọn làm người lang thang bất định hết sức thiếu thốn trong hàng chục năm trước khi có thể tới miền đất hứa, tại sao dân Do Thái chọn đi theo Moses? Giữa cái hiện thực tiện nghi và một tương lai bất định, đa phần người ta chọn điều gì?
40 năm là một hành trình dài đằng đẵng, rất có thể nhiều người đã không thể sống sót tới cùng. Đối diện với cảnh tượng đó, tại sao người Do Thái vẫn ra đi? Rất có thể có một số cam tâm làm nô lệ ở lại. Số đó có thể đã chìm vào quên lãng của lịch sử.
Nhưng trên đoạn đường đó, những mắt xích yếu đuối nhất của sắc dân này xuất hiện. Rất nhiều người khi vượt qua Hồng Hải, chứng kiến thần tích thoát khỏi đội quân của Pharaoh và dòng nước xiết, họ cảm giác được từ nay mang thân phận của người tự do. Và vì là người tự do, nên rất nhiều người vui mừng mà… dựng một hình nộm con bò lên thờ phượng, họ quên luôn vị thần tạo ra họ là YHWH. Về sau, trên quãng hành trình lang thang ở sa mạc, rất nhiều người không chịu nổi vất vả, bỏ về làm nô lệ xứ Ai Cập trở lại. Số khác thì vùng dậy làm loạn, chống lại Moses.
Moses xử lý sự tình rất cương quyết, và có phần dã man. Ông nung chảy hình nộm con bò, trong cơn nóng giận bắt những người thờ phượng con bò ăn hết. Hơn nữa, nếu là kim loại nóng chảy (có thể bằng đồng) thì sao mà ăn? Khi những người Do Thái nghe rằng ở Canaan có những người khổng lồ, họ chống lại ông, bỏ luôn đức tin vào YHWH. Moses nổi giận và nguyền rủa, rằng ông thà lang thang 40 năm trong sa mạc, cho tới khi đám người từ bỏ đức tin kia chết hết, ông mới để con cháu của họ tới miền đất hứa.
Đây là một câu chuyện có bối cảnh rộng lớn. Từ câu chuyện của Moses, ta thấy rằng đối với một sắc dân Ý Chí Tự Do có quyền năng không hề đơn giản. Bởi để sở hữu được nó, con người phải có đủ bản lĩnh dấn thân. Và mỗi một lựa chọn sai lầm khi song hành với Ý Chí Tự Do sẽ phải trả giá rất đắt. Lịch sử có rất nhiều câu chuyện thành công về một sắc dân sẵn sàng dấn thân đi tìm kiếm tự do, nhưng cũng không ít câu chuyện thất bại.
Miền đất hứa TỰ DO có bóng dáng của những người khổng lồ – hay là những thử thách khổng lồ. Chúng ta không biết rằng người khổng lồ trong câu chuyện của Moses có thật, hay chỉ là biểu tượng về thử thách mà một sắc dân phải đương đầu khi bước vào miền đất hứa. Chúng ta không thể biết. Ở trang này, bạn thấy luôn đăng các bài về những điều tệ bại của chính trị Hoa Kỳ, kỳ thực chính là nỗ lực để viết về những người khổng lồ đó.
Nền Tự Do cực kỳ phức tạp, và nó không phải là một món quà trên trời rơi xuống. Đạt được nó hết sức khó khăn, và để duy trì nó cũng không hề đơn giản. Hoa Kỳ liên tiếp trải qua đại nạn, và qua các đại nạn đó, người ta nhìn ra rằng Hoa Kỳ là một xứ sở có bản sắc rất đặc biệt.
Họ là xứ sở rất ồn ào về các vấn đề của mình, tức là những gì tệ bại xấu xa nhất của xứ sở sẽ được truyền thông ra rả lên tiếng mỗi ngày, cho không chỉ cả xứ, mà cả thế giới biết.
Điều thú vị là bởi vì họ liên tục có thử thách như vậy, họ liên tục đối diện với sự thật, nên từ họ liên tục xuất hiện lớp người có dũng khí dấn bước, thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Từ đó mà có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh. Nhờ kinh nghiệm và bản lĩnh đó, dân xứ này vẫn luôn có thể vực dậy khi đối diện với bất kỳ tai ương nào.
Sự ồn ào thú vị đó của Hoa Kỳ, rất trái ngược với thái độ Tốt Khoe Xấu Che của người Việt Nam.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), ta nghe tới học máy (Machine Learning), học sâu (Deep Learning) thực ra là một bộ kỹ thuật “tập trung vào các lỗi sai“. Họ tạo ra môi trường giả lập cho thuật toán, so sánh dự đoán lý thuyết với kết quả thực, để đo xem độ sai khác là bao nhiêu. Từ đó, họ tìm ra giải pháp thu hẹp biên độ và giải quyết lỗi sai đó.
Nghĩa là thành tựu của khoa học hiện nay có được, là nhờ tập trung vào vấn đề. Và sự trưởng thành của một dân tộc là nằm ở sự tập trung chú ý vào cái xấu. Thái độ Tốt Khoe Xấu Che của người Việt Nam chính là đang đi ngược lại với quá trình trưởng thành đó.
Nếu ta không hành động, làm sao ta biết được ta có thể làm đúng hay không? Lần đầu tiên có thể là sai, và sai rất tệ hại, nhưng cái sai đó vẫn tốt hơn là không làm gì.
Tại sao văn hóa Tây Phương, từ Bắc Âu, tới Hy Lạp, … đều rất quan trọng hình tượng rồng? Con Rồng Tây Phương luôn mang ý nghĩa xấu, bởi sức phá hoại của nó rất lớn.
Các anh hùng, các vị vua từ các nền văn hóa này đều xuất hiện từ hành trình chinh phục rồng như thế. Thành thật đối diện với kết quả từ hiện thực, để từ đó có thể quay lại và tìm các giải pháp khác nhau. Sự thành thật chính là một món đồ hết sức đắt giá.
Thế Giới Tự Do là cuộc chơi của những người khổng lồ, nhưng căn cước của dân xứ này, đã cao lớn lên chưa? Sẽ phải mất thêm hàng triệu giờ tranh luận, hàng triệu trang luật phải viết lại.
Đấng YHWH suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, ông không ban tiện nghi cho dân Do Thái, mà ông huấn luyện dân xứ này thành thục trong khổ nạn, binh đao.
Ta thấy có sự đồng điệu giữa Đấng YHWH và đức Phật.
Nhân Tại Mê Trung, đời là bể khổ. Cái khổ kỳ thực chính là phước phần lớn nhất của nhân sinh.
Ngàn năm nô lệ giặc Tàu, người Việt Nam đã quên mất thần tạo ra mình, mà tin vào truyền thuyết của TQ. Vị thần đó là ai, không ai còn nhớ. Chỉ là không biết, phía trước ông còn an bài khổ nạn gì cho dân xứ này?
Trong hình là tượng quẻ Minh Di – con đường đau khổ.
Phía trước là một con đường đau khổ, nhưng vinh diệu cho ai dám đối diện với lẽ thật, và không rời xa đức tin vào Thần Phật.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment