Trong tranh là sự kiện thảm sát vào ngày thánh St. Bartholomew, những người Catholics tấn công những người Tin Lành Huguenots trong chiến tranh cách mạng tôn giáo tại Pháp.
Vụ thảm sát người Tin Lành này do một nữ hoàng của nước Ý, có tên là Catherine De Medici phát động, bà là mẹ của vua Charles IX.
Cuộc thảm sát này xảy ra trước vài ngày chị gái của Charles IX là Margaret đi lấy vua Henry IV của nước Pháp – một người Protestants Tin Lành.
Giới quý tộc Huguenots lúc đó tụ họp ở Paris để tham gia lễ cưới. Paris vẫn là một xứ sở mà niềm tin Catholics chiếm đa số lúc đó, tuy rằng thế lực người Tin Lành đang gia tăng rất nhanh.
Vua Charles IX muốn giết bằng được những người đứng đầu nhóm Tin Lành, nhưng tìm không được người đứng đầu, nên cuộc thảm sát kéo dài nhiều ngày sau đó, trước sự bất lực của người Tin Lành Huguenots, tạo ra một dấu ấn mà người Tin Lành không bao giờ quên mãi cho tới tận bây giờ, rằng người Catholics sẵn sàng bội ước và xuống tay rất đẫm máu.
Tại sao lại xuất hiện những người Huguenot ở Pháp? Số là thế này, John Calvin đọc sách tiên tri Daniel, và ông nhận ra rằng,
Một khi vương quyền không còn tuân giữ lời của Thượng Đế, thì vương quyền đó không còn quyền lực thế tục nữa.
Và một khi không còn quyền lực thế tục nữa, thì hoặc là tìm một vị vua khác xứng đáng, hoặc là quyền tự do dân chủ phải thuộc về phía người dân – sovereignty of the people.
Cho nên trang này đã nói nền dân chủ pháp trị là món quà của Thượng Đế, từ những người tín Chúa thuần thành.
Ta đừng quên rằng trong Cựu Ước có kể về David, vua David lúc lên ngôi có lần nhìn thấy một người nữ khỏa thân trên mái nhà trong thành. Đó là một trang tuyệt sắc giai nhân, có thể nàng lúc đó đang tắm nắng.
David, vị vua Do Thái muốn biết người nữ đó là ai, nên ông cho người điều tra. Tin tức báo về đó là một người vợ của một người tướng lãnh dưới quyền ông, thế là David điều vị tướng đó ra chiến trường, vị này sau chết trận, David chiếm đoạt luôn người nữ kia.
Đấng YHWH không hài lòng. Bạn có thể tự tìm hiểu tiếp. Nhưng điều này cũng khẳng định rằng, dù là vua, nhưng đấng YHWH vẫn có yêu cầu nghiêm khắc, nghĩa là không phải là vua của dân Do Thái thì muốn làm gì cũng được.
Nếu ta đem giác độ này vào tình huống của giới tăng lữ ở Vatican, có thể họ có cách giải thích khác, như Pietro Parolin từng nói: “Lịch sử luôn có thay đổi từ từ.” Có lẽ thay vì một năm vài trăm vụ lạm dụng tình dục, Vatican sẽ cố gắng giảm dần. Đó là thái độ của họ.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng,
Đức tin chân chính sẽ xuất hiện những hiểu biết chân chính, và từ hiểu biết tới hành động sẽ xuất hiện một lớp người chân chính.
Nền Cộng Hòa Pháp được thai nghén mãi tận từ thời những người Tin Lành Huguenots là có bối cảnh như vậy. Nói chung, ly cà phê này không phải để đi sâu về chuyện người Catholics thảm sát người Tin Lành ra sao.
Chỉ là muốn nói tới tình huống, người Việt Nam không giống người Pháp, chính là không trải qua các cuộc chiến liên tục trên bình diện về Đức Tin. Đúng là có tình huống cấm đạo của nhà Nguyễn, nhưng nếu đặt song song trong bối cảnh lịch sử, người Việt Nam không hề gặp tình huống đó.
Và một thiệt thòi hết sức lớn đối với người Việt Nam, chính là không xuất hiện sự hiện diện của người Tin Lành trong một giai đoạn ngắn ngủi kể từ khi người Pháp xuất hiện. Nên các lực lượng văn minh và khai sáng đó không tạo ra một cuộc chiến long trời lở đất. Bối cảnh hỗn loạn đó cũng không xuất hiện để các thử thách về đức tin có thể tạo ra một dấu ấn trong lòng người Việt Nam, ngõ hầu từ đó họ có thể nhận thức lại được nhân sinh quan, và xếp đặt mình trong dòng chảy văn minh của nhân loại.
Những gì xảy ra rất đơn giản, chúng ta chưa hề đạt được tới tầm vóc của người Tây Phương, vốn được tôi luyện qua năm tháng nội chiến vì đức tin, hay vượt biển chinh phục những vùng đất mới. Ta có khả năng, nhưng người Việt ta không có bản lĩnh đó. Ta chưa từng đi qua nó. Và nội hàm văn hóa của người Việt không đủ sức tạo ra những Mahatma Gandhi để có thể hóa giải những trật tự mà người Tây Phương, đặc biệt là người Pháp áp đặt lên dân tộc.
Người Việt Nam không có bản lĩnh đó. Họ như một đứa trẻ, rất thông minh, bỗng nhiên được đưa vào sống trong căn biệt thự của giới tư sản Pháp. Đứa trẻ có thể học được lề thói văn minh, vẫn có thể đọc sách, nói chuyện với thế giới văn minh. Nhưng sâu trong nội cảm, vẫn có một khoảng cách giữa thế giới văn minh và tâm hồn của đứa trẻ.
Trải qua hàng thập kỷ chinh chiến, người Việt Nam vẫn chưa trưởng thành.
Tại sao chưa trưởng thành? Hãy bắt đầu bằng một ví dụ đơn giản.
“Đối với rất nhiều người, biết chuyện không đồng nghĩa là sẽ hiểu chuyện, hiểu chuyện rồi không có nghĩa là ngộ ra được tình huống.”
Biết hút thuốc là không tốt, nhưng sao vẫn cứ móc bao thuốc lá ra hút. Ai cũng nói là hút thuốc không tốt, và thấy rằng rất nhiều người đổ bệnh, ngay cả người ta in tấm hình lá phổi ung hoại lên bao thuốc, thấy rồi mà vẫn hút. Nên nói biết thực ra chưa chắc đã hiểu.
Hiểu là hiểu được vì sao lại muốn hút! Vì buồn, có thể vì thói quen, sau mắc một số chứng bệnh về hô hấp, cũng hiểu ra được hút thuốc là không tốt. Nhưng hiểu rồi cũng không có nghĩa là dừng được! Vì cùng một lí do như trước, buồn, thói quen, v.v… Thậm chí có người chỉ còn lại một lá phổi, giải phẫu tới lui, lâu lâu ngứa miệng, vẫn lấy ra hút.
Tại sao? Là vì hiểu không có nghĩa là ngộ. Ngộ chính là không những hiểu được nhân quả, mà còn hiểu được tình huống phát sinh từ nội tâm. Có thể trong đầu rất minh xác là hút thuốc không tốt, nhưng cái thôi thúc trong nội tâm cứ tới mà không thể nào tiêu diệt được, nó luôn luôn xuất hiện.
Khác biệt của ngộ chính là giải quyết được tình huống đó, liên tục từ chối nó, xem việc từ chối nó là nguyên tắc ứng xử mỗi khi nó xuất hiện. Mãi rồi cái thôi thúc đó không trở lại, có ép hút, cũng không hút.
Việt Nam là một đứa trẻ được đặt vào tình huống đó, nó chưa từng trải qua khó khăn của việc mưu sinh, cũng chưa từng thấu hiểu tình cảnh xây dựng lên một cơ ngơi như thế nào. Ngoài kỹ thuật, hiểu biết, còn cần phải có lòng thành tín trong kinh doanh, tính trung thực và sự nỗ lực kiên trì trước mọi thất bại.
Đứa trẻ đó, một khi không có người lớn ở đó, cái thôi thúc sở hữu nội tâm sẽ cám dỗ nó ăn cắp, tâm tình mới lớn của nó sẽ làm nó đi nhòm trộm khuê phòng của các cô thiếu nữ,… bởi vì nó dù hiểu rất rõ tình huống của thế giới văn minh, cũng hiểu được việc bị bắt gặp là sẽ bị trừng phạt,… nhưng nội tâm của nó không thể cưỡng lại các thôi thúc đó.
Cho nên người Việt tuy thông minh, nhưng trí trá, khôn vặt và hời hợt, chính là bởi vì họ không có được năm tháng mài dũa đó. Vì vậy nên người Việt, lơ ngơ trong khói bụi thời cuộc.
2 tư tưởng xuyên suốt của Kinh Dịch gồm:
“Tất Nhiên Là Có Nguyên Do“, và
“Ngẫu Nhiên Là Không Tồn Tại”.
Vì vậy nên cũng không phải ngẫu nhiên mà lá cờ của hai miền Nam Bắc lại có ý nghĩa hết sức kỳ lạ. Miền Nam là Thiên Địa Bĩ. Bĩ là đường cùng, Thượng Hạ Tiếm Loạn Chi Tượng.
Nếu nói theo Jung, chính là người Việt Nam vẫn chưa có thể tìm được một trật tự nội tâm, nên họ không thể xếp đặt được tư tưởng, cũng như từ đó phản ánh lên đời sống xã hội. Hướng mãi về nền dân chủ tự do của Tây Phương, vốn được thai nghén và trải qua những năm tháng thử thách đẫm máu mà có, là đường cùng.
Ngược lại, lá cờ miền Bắc là quẻ Địa Hỏa Minh Di – con đường đầy gai, một con đường hết sức đau khổ. Biểu tượng sao vàng năm cánh là một biểu tượng ngoại lai, trong văn hóa Á Đông không bao giờ có. Nếu ta vẽ một vòng tròn ngũ hành Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy, ta có thể nối lại liên kết bên trong vòng tròn đó thành một ngôi sao năm cánh. Ngôi sao là tình huống tương khắc Kim Mộc Thổ Thủy Hỏa, sự trọn vẹn của ngũ hành chính là phải có cả vòng tròn bên ngoài, và sao năm cánh bên trong: Tương Sinh – Tương Khắc, Tương Phụ – Tương Thành.
Sao Năm Cánh là tình huống tương khắc, lá cờ Việt Nam trọn vẹn ý nghĩa đó: một con đường lầm than tranh đấu liên miên.
Nhưng điều đó cũng không hẳn là xấu. Bởi vì nếu như người Việt từ chối đối diện với các thử thách liên tục từ tình huống của cuộc chiến đó, vĩnh viễn họ không thể cao lớn lên.
Cuộc chiến nào? Ở đâu? Chính là cuộc chiến với ma quỷ và thôi thúc bước ra từ nội tâm. Cả xứ sở ở đâu cũng thấy ăn cắp. Quan ăn cắp đường quan, dân ăn cắp đường dân. Bất kỳ một thứ ma quỷ nội tâm nào mà nhân loại biết tới, dân tộc này phơi bày ra hết cả.
Tham lam, đố kỵ, dối trá, báng bổ, dâm loạn, cướp bóc,… tưởng chừng như Địa Ngục của Dante cũng không thể nào dung chứa nổi tội trạng của chúng ta, đặc biệt là ở tầng cuối cùng, tầng của sự phản bội. Ma quỷ ở khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, sở làm, trên đường phố, thậm chí còn làm loạn bậy trong nhà chùa…
Tưởng chừng như nếu một sinh mệnh siêu việt trên cao đang nhìn xuống giống nòi này, ông nghĩ tới điều gì.
Con người là một sinh mệnh đặc biệt, bởi duy nhất trên đất con người có thể hiểu được thiện và ác. Con vật chỉ sinh tồn, nằm ngoài thiện ác.
Cọp rừng ăn thịt thỏ không phải vì cọp rừng ác, mà thỏ nằm trong chuỗi thức ăn của nó, nó chỉ đơn giản là tồn tại, nên nó không phải thiện, cũng không phải ác. Con vật vì sinh tồn, nên cũng sẽ biết tranh đoạt. Đặt một miếng thịt thỏ ở đó, con cọp sẽ chẳng mất thời giờ suy nghĩ miếng thịt thỏ từ đâu, cứ thế cắp đi.
Con người thấy một ít tiền để trên bàn, biết không ai thấy, lấy đi một chút, khác gì con vật?
Tài nguyên của vũ trụ dành cho một đời người, đương nhiên không thể đơn giản như của một con thú. Nhưng người đời hiện nay sinh sống khác gì thú vật đâu? Cho nên trí tuệ của đất trời, của tự nhiên sẽ không bao giờ chấp nhận cho sự lãng phí đó.
Nếu như một thuật toán chỉ có thể dự báo một tình vài tình huống đơn giản, với một vài thông số đơn giản, sẽ chẳng có một chuyên gia trí tuệ nhân tạo nào dành nhiều bộ nhớ cho nó. Bởi sự tồn tại của nó là một sự lãng phí lớn, có dùng cũng chẳng được lợi ích gì lớn. Tại sao không giành tài nguyên cho một thuật toán phức tạp và hiệu quả hơn?
Nên thiên tai, suy cho cùng, cũng chỉ là an bài để lấy lại những tài nguyên để cần dùng cho việc khác. Nếu vẫn cứ như vậy, sớm muộn gì, phù hoa của xứ này cũng mất đi.
Nhưng điều tuyệt vời nhất từ hành trình đau khổ của người Việt Nam là gì? Là rất nhiều người ở vị trí có thể ăn cắp, ăn cắp một khoản rất lớn, mà vẫn không ăn cắp. Những người có thể lợi dụng xuất thân của mình tính chuyện vinh thân phì gia mà vẫn không làm.
Trong hành trình đó, xuất hiện những người không tiếc sinh mệnh, trước mọi dụ hoặc của đời sống, họ ngộ ra một tình huống nhân sinh rằng con người không thấp bé như những dụ hoặc hết sức trần trụi của đời sống, mà xứng đáng với một điều gì đó thiêng liêng hơn, cao quý hơn.
Mấu chốt là ở điểm đó, là họ chiến thắng được những thôi thúc trần trụi trong hỗn loạn nội tâm, mà xã hội đang phơi bày khắp xứ.
Ta trở lại ví dụ về đứa trẻ Việt Nam trong căn biệt thự Pháp. Đứa trẻ đó sau năm tháng bôn ba vất vả, nỗ lực chịu khó, cũng gầy dựng được một cơ ngơi. Nhưng ngoài cơ ngơi đó, là sức mạnh nội tâm có thể hủy diệt được bất kỳ một thôi thúc nội tâm nào. Nên gặp người nữ trong khuê phòng có thể không động tâm, thấy tiền trên bàn sẽ không đánh cắp. Là bởi vì đứa trẻ đó đã cao lớn lên tới tình huống đó, tình huống không còn bị thôi thúc nội tâm cám dỗ nữa.
Đó là lí do vì sao, khổ nạn chính là phước phần lớn nhất của nhân sinh. Một khi dấn thân vào cái khổ, người ta mới tìm được chính mình, sau khi đã tiêu diệt được hết ma quỷ nội tâm.
Cái ngộ thực ra, cũng đơn giản như vậy. Ở chùa mãi, nghe kinh, biết kinh, hiểu kinh, mà chắc gì đã ngộ. Nên cứ phải vân du trong cõi hồng trần, nếm mùi dụ hoặc, nếm mùi khổ ải. Không phải ngẫu nhiên, mà Đức Phật bắt đồ đệ của ngài đi xin ăn.
Tại sao Dostoievsky viết về Hồi Ức Dưới Hầm? Cuộc đời ông đầy cay đắng, vất vả. Tưởng chừng như chẳng còn điều gì dành cho ông nữa, nên ông tự tìm niềm vui trong tâm hồn mình.
Và ông bước vào một căn hầm, nơi các thôi thúc trần trụi nhất của đời người tồn tại. Ông ở mãi trong đó, dần dần sắp đặt một trật tự ở đó, tới khi ánh sáng đức tin chiếu vào, ông nhận ra rằng một xã hội không tưởng sẽ không bao giờ tồn tại.
Con người cần cái khổ, con người cần vấn đề, cây trí tuệ ko ngừng đâm rễ xuống địa ngục, thì ngọn cây mới vươn tới Thiên Đàng.
Nên sau quẻ Địa Hỏa Minh Di, là một quẻ rất tốt, Phong Hỏa Gia Nhân – người với người thương mến lẫn nhau.
Leave A Comment