“You’re going to pay a price for every bloody thing you do and everything you don’t do. You don’t get to choose to not pay a price. You get to choose which poison you’re going to take. That’s it.” Jordan B. Peterson
Một câu hỏi mà các cô gái Tàu rất thích hỏi người yêu của mình: nếu cả hai người cùng rơi xuống nước trước mặt chàng trai, không ai biết bơi và chỉ có thể cứu được một trong hai, chàng trai sẽ chọn cứu ai.
Cứu mẹ hay cứu vợ là một câu hỏi đáng sợ, và dĩ nhiên, các cô gái không nên làm thế đối với người yêu của mình.
Việc đặt người khác vào một tình huống phải ra một quyết định, mà quyết định đó để lại một ám ảnh tâm lý rằng, sự bất toàn tự thân có thể dẫn tới những kết cục bi thảm là một việc không mấy gì tốt đẹp.
Bởi buộc người khác trả lời câu hỏi đó, cũng hệt như việc nguyền rủa họ. Mục đích của việc nguyền rủa cũng là nhắc tới trong tâm trí người nghe rằng, bản thân họ có điều gì đó thấp kém. Bất lực khi nhìn người thân của mình phải ra đi là một cảm giác rất đau đớn.
Thế nên các chàng trai nếu nghe câu hỏi đó, thì nên nói rằng đó là một tình huống phi thường, bởi vì nỗi đau chứng kiến người thân vì mình bất lực mà phải chết – là thống khổ phi thường, nên những gì có thể trả lời là sẽ làm tất cả những gì có thể – để vĩnh viễn không phải rơi vào tình huống đó. Còn nếu rơi vào tình huống đó thì để lúc đó trả lời. Đừng rơi vào cái bẫy đó.
Hãy bàn thêm một chút. Nếu chàng trai chọn cứu vợ, thì sự thực có phần phũ phàng với các cô. Có ai biết được rằng hôn nhân sau đó sẽ còn như bình thường nữa, và người chồng có hối tiếc vì đã để mẹ chết hay không?
Điều mỉa mai là khi mất đi thì người ta mới biết điều đã mất quý giá thế nào, và đời sống mưu sinh thường nhật nhiều khi lại làm tình yêu phai nhạt. Lúc tình yêu phai nhạt rồi các chàng cứ nhớ tới mẹ mà nhìn các cô, miệng lẩm bẩm “giá mà” thì các cô nghĩ thế nào?
Có ai còn muốn sống với người cứ nghĩ rằng đáng lí ra họ không nên cứu sống mình hay không? Ai mà dám sống với một người đàn ông như vậy? Ở đời, vẫn là biết đâu, đúng không? Các cô có gan hỏi, sao lại không có gan nghĩ.
Nếu có thể được thì cưới người khác cho lành, vì trong đầu của người chồng cũ có vết sẹo kia, ai biết rồi sẽ làm những gì? Đêm dài lắm mộng, chia tay tìm người khác có phải dễ hơn không? Sự tổn hại về tâm lý từ tình huống đó không hề nhỏ.
Còn nếu nói là cứu mẹ, suy cho cùng cũng khó nghĩ. Bởi vì khi người đời biết rằng gã đàn ông sẵn sàng để vợ chết, thì ai sau còn dám lấy gã nữa? Ai dám gả con gái cho gã nữa? Đời mà, sao dám chắc là sẽ không tới lượt mình, nhất là khi người ta đã làm vậy một lần, có lí do gì để không làm lại lần nữa?
Hơn nữa, nhỡ đâu người vợ lại đang có thai. Lúc đó đã là hai mạng người? Phải vậy không? Không thương vợ, không lẽ không thương con? Đừng nói tới việc cứu mẹ vì còn có thể lấy người khác làm vợ, vì người khác chắc gì đã chịu lấy một người đàn ông sẵn sàng để vợ con chết?
Thực ra sự tình này có xảy ra trong một câu chuyện của người Ả Rập, một người phụ nữ quý tộc bị bắt cùng với chồng, con và em trai của mình. Vị lãnh chúa muốn chơi một trò chơi, nói rằng sẽ tha mạng cho hai người, và để cho cô gái chọn. Không khí trở nên hết sức căng thẳng, vì chồng con và em trai đều ở đó.
Cô gái chọn mình và em trai được sống, còn chồng và con thì có thể kiếm người khác. Vị lãnh chúa này lấy làm lạ hỏi. Cô nói em trai thì chỉ có một, không tìm được người khác nữa. Đó là câu trả lời của người Ả Rập.
Trở lại việc cứu vợ, nhiều khi không hẳn chàng trai cứu vợ là vì thương vợ, mà là vì mãi mà vẫn chưa được hưởng của thờ tự. Người mẹ chết đi rồi thì mới được thừa kế tài sản. Có của thừa kế rồi, nếu có thể xông xênh thoải mái được một chút, như là thay một người vợ mới trẻ đẹp hơn, tại sao lại không? Lúc đó thì các cô nghĩ thế nào? Đời mà, ai dám nói là sẽ không tới lượt mình?
Mà chuyện đâu có dừng ở đó. Nếu như trong lúc nguy cấp, người mà chàng trai thực sự muốn cứu là mẹ, nhầm lẫn thế nào lại cứu người vợ. Người muốn cứu thì không thể cứu, mà nhiều khi, hôn nhân vốn cũng chẳng êm ả gì, người mình không muốn thấy mặt lại sống, mà người muốn cứu thì phải chết. Lúc đó đối diện với nhau ra sao? Năm tháng sau này sống tiếp thế nào?
Có nhiều giải thích cho rằng người Tây Phương sẽ chọn cứu vợ, thay vì cứu mẹ, vì họ cho rằng người mẹ đã sống được một chặng đường, và người con trai sẽ chọn vợ để nuôi dưỡng đứa con. Và người Á Đông sẽ cọn cứu cha mẹ, họ gọi là vì chữ Hiếu.
Sự tình thì không đơn giản như thế, và trả lời như vậy cũng không hiểu gì về văn hóa Judeo-Christian. Bởi vì trong lịch sử văn hóa Judeo-Christian vẫn là người đàn ông sẵn sàng cứu cha mẹ, chứ không phải là cứu vợ con.
Bên dưới là bức họa nổi tiếng, kể về tình huống chiến binh Anneas cõng cha mình là Anchises chạy khỏi thành Troy lúc thành Troy bị hủy diệt. Anneas chỉ cứu được cha mình, vợ và con lúc sau chạy theo không kịp, đều bị giết chết.
Trong The Dark Knight, phân đoạn gần cuối, Joker đưa Batman rơi vào tình huống, một là cứu lấy người thương Rachel, hai là cứu lấy Harvey Dent, thời gian còn lại chỉ để cứu một trong hai. Và Batman phải chọn.
Harvey Dent đã sẵn sàng chết cho Gotham như một người anh hùng, đi trọn vẹn hành trình của mình. Rachel thì vẫn hy vọng gặp được người tình. Batman lấy được thông tin địa chỉ nơi Rachel bị nhốt từ Joker, lao đi tìm người đẹp.
Anh hùng cứu mỹ nhân, quả là một chuyện tình đẹp, kết thúc như vậy cũng có hậu. Nhưng Joker lại lừa Batman, địa chỉ Batman có là nơi nhốt Harvey Dent, chứ không phải là nơi nhốt Rachel. Joker biết Batman sẽ cứu người đẹp, bởi vì Batman và Harvey Dent cũng chẳng ưa gì nhau, và Harvey Dent đã chấp nhận cái chết. Cho tới khi thấy Batman xuất hiện, Harvey Dent gầm lên: NO!!!!!
Batman tới nơi, phát hiện ra mình mắc lừa Joker, nhưng vẫn cứu Harvey Dent. Cứu được Harvey Dent thì bomb nổ, cô Rachel thành tro bụi.
Cô Rachel đã chết, nhưng cái còn lại là nỗi đau trong lòng hai người đàn ông, và tiếng cười còn văng vẳng đâu đó của Joker.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment