Điều làm người ta bối rối trong đời nhiều khi chính là khi ta mất một cái gì đó, hay rời xa một cái gì đó, ta mới biết cái đã từng thuộc về ta là cái gì. Vì lúc đó ta mới thực sự dành thời gian cho nó, suy nghĩ mãi về nó.
Nhiều bạn theo đọc nơi này, rất thích đọc Jung. Tôi nghĩ nếu có một dịch giả nào đủ trình độ dịch toàn bộ sách của Carl Jung sang Việt Ngữ, và phổ biến rộng rãi sẽ là một điều hết sức may mắn đối với tâm hồn người Việt.
Nhưng có một điều thú vị thế này, là Carl Jung đặc biệt quan tâm nghiên cứu Đạo Gia (Taoism), chủ yếu qua những tác phẩm hết sức kinh điển là Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, hay Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ của Đạo Giáo. Vậy tại sao ta phải mất thời giờ tìm đọc những tác phẩm hết sức phức tạp của ông, trong khi qua Việt ngữ ta có thể đọc những quyển sách mà ông mất rất nhiều công sức nghiên cứu?
Một tâm hồn vĩ đại, một bộ óc hết sức thông minh, chỉ tiếc rằng ông không có thêm thời gian để nghiên cứu về Đạo Gia Đông Phương, dù đã dành 20 năm trong đời nghiên cứu Kinh Dịch.
Sai lầm lớn nhất của Tôn Giáo chính là làm méo mó đi nguyên dạng lời của các giác giả.
Tin Lành, Đạo Gia, Phật Gia, Do Thái… thật ra đều có rất nhiều điểm chung, nơi này hay gọi là Thần Phật nói chung, hay cố gắng nói rõ hơn là Phật Đạo Thần. Thần là nhóm Thần Tây Phương, Đạo và Phật ở Đông Phương.
Nếu bạn thật sự tò mò về Jung, chi bằng tìm hiểu các tác phẩm mà ông dày công nghiên cứu.
Đạo Đức Kinh và Kinh Dịch là hai quyển sách sẵn có bằng tiếng Việt, có thể tải miễn phí.
Đây là những quyển sách có nội hàm hết sức thâm sâu, Carl Jung cho rằng mỗi lần ông nghĩ là ông đã down to the pit, tức là tới đáy rồi, không thể sâu hơn nữa, thì lần sau ông lại thấy rằng ông có thể đi xuống nữa, mãi mà vẫn không thấy đáy – đối với ông là tình huống hết sức profound – sâu sắc.
Điều kỳ diệu của kinh sách có tác dụng như vậy. Kinh sách mang tới cho bạn biểu tượng. Bạn nhớ lấy các điển tích, các câu chuyện, thực ra cũng như bạn mang trong lòng các biểu tượng. Các biểu tượng này như một mối nối với thế giới siêu hình – cảnh giới bất khả tư nghị
Một lúc nào đó trong đời, bạn trải qua các khổ nạn khác nhau, nếm trải mùi vị nhân sinh khác nhau, tự nhiên năng lượng nội tâm đủ đầy, kết hợp với các biểu tượng này, trong tâm sẽ có chấn động, tưởng như nổ bang một cái. Tâm hồn tự nhiên thấy không còn chật hẹp nữa, bước vào một cảnh giới rộng lớn hơn.
Hay nói cách khác,
Các biểu tượng này như mồi lửa. Bạn trải qua nhiều kiếp nạn trong đời, hành thiện tích phúc, xem như là chất chứa rất nhiều củi, nhưng mãi không có mồi lẫn lửa, vẫn là không thể cháy. Để lâu rồi cũng bán đi, chuyển lại thành phúc phần nhân sinh, Đức Phật cho rằng chẳng qua là hưởng phúc, chứ không thể nào thoát khổ. Hết cái phúc kia, thì lại phải chịu khổ tiếp.
Tại sao nơi này từng viết người theo Thiền Tông là những người không nghiêm túc tu Phật, bởi vì đơn giản là họ từ chối các biểu tượng đó. Họ quên rằng Bồ Đề Đạt Ma, hay Huệ Năng sau này, cũng nhờ vào các biểu tượng đó mà có chấn động trong tâm – thứ mà Huệ Năng gọi là Đốn Ngộ. Nhưng đó là mới chỉ có đọc được một chút kinh phật, nếu Bồ Đề Đạt Ma hay Huệ Năng chịu khó học thêm, chẳng phải đã có được thu hoạch nhiều hơn hay sao?
Có người thiên tư đã thích nghe chuyện huyền bí, nhưng trải nghiệm trong đời chưa có, họ biết các điển tích, ghi nhớ các sự kiện, không ngừng trau dồi. Mãi sau va chạm nhiều thứ trong đời, cũng Ngộ ra, nên gọi là Tiệm Ngộ. Bạn gặp người bên Thiền Tông, cãi tới cãi lui chuyện này, thực ra nó chỉ là hai mặt của tình huống đó thôi. Có củi nhưng sau mới có mồi lửa, có mồi lửa rồi nhưng sau mới có củi, sau cùng vẫn là cần đốt củi, chỉ là vậy thôi.
Chính là vì vậy, nên mới nói họ kiêu mạn với Đức Phật, mới ngửi được được một ít hương hoa từ vườn Phật, tưởng là mình đắc chính quả.
Đường Huyền Trang vất vả 19 năm ròng sang đất Phật, đem kinh về cho người Hoa, công của ông rất lớn. Người đời sau rất nhiều đều dựa vào đó tu Phật, không lẽ đều là hư ảo hay sao?
Trong hình là trích sách Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, Richard Wilhem dịch sang tiếng Đức, lời bình của Carl Jung. Và Carl Jung nghiên cứu rất kỹ quyển này.
Đây là quyển sách Lã Động Tân dựa vào tu tiên.
Người tu Đạo, khi luyện tới một tầng thứ, trong cơ thể xuất ra một hình hài như đứa trẻ nhỏ, họ gọi là Thánh Thai. Người tu Đạo sau khi thành Đạo, thì họ thoát thai hoán cốt, có thân thể mới kia. Cái thân thể kia là thân thể có thể tiến nhập vào nhiều không gian khác nhau, đó là trạng thái tiêu dao cực lạc. Cực lạc bởi vì không có khổ, không khổ vì không chịu ước thúc của cõi nhân sinh.
Phúc Âm Mathew 18:3: “Thực tình ta nói với các ngươi, nếu không trở thành như đứa trẻ nhỏ, các ngươi không tới được Thiên Quốc.”
Nên nơi này từng nói rằng, nếu bạn thực sự có trách nhiệm đối với Đức Tin của mình, bạn sẽ nhìn ra được tình huống tồn tại của Tôn Giáo, và cũng nhìn ra tầm quan trọng của Đức Tin.
Carl Jung sống giữa người Catholics, ông tuyệt đối không đi nhà thờ Catholics, chính là vì ông nhìn ra cơ sự đó.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment