Thiên tài của Dostoievsky là ở vào thời của ông, ông nhận ra rằng
Điều quan trọng nhất của đời người mà không ai được phép lấy đi chính là sự đau khổ. Khổ nạn là món quà nhân sinh mà thượng đế ưu ái giành cho nhân loại. Vì vậy, con người vĩnh viễn không thể bước vào một Utopia, bởi ngay khi bước vào đó, con người sẽ hủy diệt nó.
Hủy diệt tình huống tồn tại tốt nhất của một giống loài? Phải chăng con người vĩnh viễn không xứng đáng với một xã hội mà người ta không còn khổ đau nữa?
Trong hình là John Calhoun. Năm 1962 ông có một thí nghiệm thế này, nếu như cho một sinh vật sinh sống trong một môi trường mà các vấn đề sinh tồn không còn cần thiết nữa, thì điều gì sẽ phát sinh?
Trong 100 ngày đầu tiên ở môi trường thí nghiệm dành cho chuột, chuột bắt đầu làm tổ, số lượng chuột không hề biến đổi nhiều. Sau 250 ngày, khi mọi thứ bắt đầu có trật tự, các con chuột bắt đầu giao phối, và số lượng chuột tăng lên gấp đôi cứ sau mỗi 60 ngày.
Bắt đầu xuất hiện một tình huống là các con chuột tiếp cận được nguồn thức ăn ở các mức độ khác nhau, dẫu rằng thức ăn vẫn luôn dư thừa. Ở một vài khu vực thì các con chuột tiêu thụ thức ăn nhiều hơn. Tới ngày thứ 300 thì số lượng chuột chững lại.
Calhoun nghĩ rằng rất có thể không còn chỗ cho các thế hệ chuột tiếp theo nữa. Vào thời điểm này, ông phát hiện ra một tình huống:
Bạo lực bắt đầu xuất hiện, tầng suất càng lúc càng dày hơn. Một số con chuột trở nên bị tấn công thường xuyên hơn. Có một số con chuột mới xuất hiện những hành vi đặc biệt. Hầu hết thời gian chúng chỉ chăm sóc cho cơ thể – “grooming”, ăn và ngủ. Nhóm này không hề chiến đấu, giao phối, hay quan tâm tới các con khác. Calhoun phát hiện ra nhóm này dù nhìn rất khỏe mạnh, nhưng phản ứng thần kinh rất chậm chạp, ông gọi là “stupid”. Sau đó thì bước vào giai đoạn sụt giảm.
Giai đoạn số lượng chuột sụt giảm rất kỳ lạ. Bởi vì nếu như con chuột nào chết đi, bị lấy ra, thì sẽ có lớp kế tiếp thay thế. Tại sao lại cứ tiếp tục sụt giảm cho tới khi chỉ còn độ 2000 con, trong khi sức chứa là gần tới 3000 con. Calhoun phát hiện ra rằng đa phần các con chuột ở giai đoạn này đều tấn công hay bị tấn công. Đuôi con nào cũng bị cắn ở một vài mức độ nào đó. Rồi từ từ cái rat utopia này biến mất.
Sau này có một người khác, là Dr Hill, ông dựa trên nghiên cứu này của Calhoun, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, với các cá thể chuột mạnh khỏe hơn. Hill phát hiện ra thêm một hành vi kỳ lạ nữa, đó là khi dân số chuột càng đông, chuột mẹ càng ít quan tâm tới các con con mới sinh.
Rất nhiều con con phải chết. Sau đó các sự tình lặp lại như trong thí nghiệm của Calhoun. Tất cả các con chuột này sau khi phát triển tới cực hạn, cũng đều chết hết.
Bài học từ câu chuyện này là gì?
Nếu bạn đọc lại các ly cà phê trước, Carl Jung có viết về Đạo, và ông có giải thích về Đạo.
Sự khác biệt giữa Tây Phương và tư tưởng Đông Phương là ở tính “Tổng thể” hay “Toàn Vẹn” (The wholeness)
Người Tây Phương khi nghiên cứu một con chuồn chuồn, họ sẽ ngắt hết từng bộ phận, phân ra đây là cánh, đầu, thân, chân… và đó là con chuồn chuồn. Để hiểu con vật, phải làm chết con vật. Nói vậy cũng có lẽ hơi phức tạp.
Vậy thì hãy nghiên cứu loài, như cách mà Calhoun và Hill nghiên cứu về chuột. Sau hơn 300 ngày được cung cấp đầy đủ thức ăn, từ vài con chuột khỏe mạnh, phát triển thành một đàn chuột đông đúc, cuối cùng biến mất, chết hết, không sót lại con nào. Vậy là nếu như họ nghiên cứu một loài, thì loài đó cũng sẽ biến mất.
Thực ra giác độ của nền minh triết Đạo Giáo chính là ở sự toàn vẹn.
Một vật thể sẽ được hiểu trong bối cảnh nó tồn tại, cái sinh ra nó, cái nó sinh ra, cái hủy diệt nó, cái nó hủy diệt. Họ gọi quan hệ đó là quan hệ Ngũ Hành: Tương Sinh Tương Khắc, Tương Phụ Tương Thành.
Dẫu là con người, hay vạn vật, đều là một cá thể tồn tại nhịp nhàng trong một vòng tuần hoàn lớn của vũ trụ. Trong quá trình tồn tại của một sinh mệnh, sinh mệnh cần hoàn tất nhiệm vụ của mình, gọi là sứ mệnh.
Không phải sinh mệnh nào cũng có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, họ cũng cần thời gian khám phá các lựa chọn khác nhau, trải qua các tình huống khác nhau, và tập dượt với khác thử thách khác nhau, tới khi thử thách của sinh mệnh xuất hiện, cũng là thời điểm xác định sinh mệnh có đạt được mục đích của tồn tại hay không, có hoàn thành sứ mệnh hay không?
Hoàn thành sứ mệnh đảm bảo cho sinh mệnh có thể tiếp tục. Trong quá trình đó, có sinh mệnh làm tốt hơn, họ tích tụ được nhiều năng lượng hơn, nên bước vào một vòng tuần hoàn lớn hơn.
Ở nơi đó, năng lực của sinh mệnh là nguồn tài nguyên quan trọng của vũ trụ sẽ không bị lãng phí. Sinh mệnh nào không hoàn thành sứ mệnh, tài nguyên cho họ sẽ bị thu hồi lại. Hoặc là họ biến mất, hoặc là họ tồn tại ở một vòng tuần hoàn nhỏ hơn.
An bài cho cuộc đời một con người, đương nhiên là tốn kém tài nguyên hơn an bài cuộc đời một con chuột. Vậy thì một tâm hồn chuột nhắt, không thể cứ để sống trong cơ thể của một con người.
Nền minh triết Đông Phương, bao gồm cả Phật và Đạo, đều giảng về tính Tổng Thể như thế, mà tâm hồn Tây Phương rất khó tiếp nhận.
Quay ngược trở lại ly cà phê Covenant. Rất có thể đấng Yhwh đã đi tìm rất nhiều dân tộc khác nhau, chọn lựa rất nhiều nhân chủng khác nhau cho công việc của ông. Và rất có thể không chỉ có một Abraham, mà trong lịch sử đã có rất nhiều Abraham khác được ông liên lạc, giao nhiệm vụ.
Nhưng tới lui vẫn là chỉ có một Abraham giữ lời. Nên ký ức về tổ phụ Abraham sẽ là ký ức quan trọng mà sắc dân thoát thai từ Abraham giữ giao ước hoàn thành sứ mệnh, nên Abraham trở thành tổ phụ của dân Do Thái và Ả Rập, vì ở sinh mệnh của ông có sự đảm bảo giao ước sẽ được hoàn thành, bằng bất cứ giá nào.
Cũng như vậy, việc tu thành Đạo, hay Phật, trong nền minh triết Đông Phương, chính là con người nhìn ra được mục đích tồn tại của con người không đơn giản chỉ để làm người.
Bởi vì trí tuệ, hiểu biết, và cảm nhận về đời sống nhân sinh quan cho thấy rằng, có một điều gì đó thiêng liêng mà con người có thể chạm tới, và tồn tại ở cảnh giới đó, hơn là một cảnh giới tận hưởng những tiện nghi đời thường, và kiếm niềm vui trong cõi nhân sinh.
Tất nhiên niềm vui ở cõi nhân sinh cũng rất quan trọng đối với rất nhiều người, nhưng xuyên suốt lịch sử đã có rất nhiều người nhìn ra được sự vô thường của đời sống mà rời bỏ gia đình và xã hội.
Nếu một sinh mệnh chỉ muốn làm tình, giao phối, chi bằng ở trong cơ thể một con thỏ, như vậy đất trời đỡ tốn kém tài nguyên hơn. Phải vậy không?
Một sinh mệnh nhìn ra kiếp sống vô thường, biết từ chối dụ hoặc của nhân sinh, vậy chẳng phải, để họ tồn tại trong cái vòng lẩn quẩn của đời người sẽ là quá phí hoài sao?
Chính vì biết đời sống vô thường, họ sẽ đi tìm lí do. Khi hiểu được đời sống ngắn ngủi vô thường, họ có hai lựa chọn. Là tiếp tục cuộc sống như vậy, hay là bước vào một con đường khác.
Trong nền minh triết tu luyện Á Đông, thực ra tu thành, cũng như thoát khỏi vòng tuần hoàn sinh mệnh thấp kém trên đất, chính là tiến vào một vòng tuần hoàn khác vĩ đại hơn. Ở đó, sinh mệnh vẫn có sứ mệnh, và vẫn phải hoàn thành sứ mệnh của mình.
Các sinh mệnh giữ mình không tốt, chẳng phải luôn có câu chuyện thần trên trời bị đày xuống đất hay sao? Con người không giữ nhân tính? Chẳng phải vẫn luôn có chuyện luân hồi thành súc sinh?
Đạo Gia giảng về sự Vô Vi, là ở chỗ không ràng buộc, Phật giảng về chữ Không, vẫn là ở sự không ràng buộc.
Không ràng buộc sinh mệnh của mình vào cái đã biết, đã hiểu, để chừa cho mình cơ hội biết cái mình chưa biết, hiểu cái mình chưa hiểu. Khi đã hiểu biết, thì có thể xếp đặt tình huống tồn tại của mình. Không ngừng trau dồi hiểu biết, dựa trên hiểu biết đó sắp đặt vấn đề nội tâm, từ trật tự nội tâm được thiết lập, mà có thể vươn lên đỉnh cao mới, từ đó xuất hiện cảnh tượng mới trong nội tâm – gọi là Ngộ.
“Ngộ” không phải là không hề biết gì, hay không thiết hiểu biết gì nữa, ngược lại, Ngộ là trạng thái siêu việt cái đã biết. Khi trạng thái ngộ đó siêu việt tất cả điều cần biết của một vòng tuần hoàn sinh mệnh, sinh mệnh sẽ thoát khỏi tình huống tồn tại ở vòng tuần hoàn đó.
Người xưa gọi là Đắc Đạo.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment