Bi kịch của chúng ta là đang đánh mất dần những biểu tượng thiêng liêng.
Freud là 1 bác sĩ tâm lý nổi tiếng, dù phương pháp của ông có sai lầm. Nhưng sai lầm của Freud là một sai lầm hữu ích.
Trước khi biết về một thứ, nếu như ta không thể biết nó là cái gì, thì chí ít ta cũng biết nó không là cái gì. Và Freud mang tới câu trả lời đó.
Thêm nữa, phương pháp của Freud mang một người có vấn đề về tâm lý tới một căn phòng riêng, nằm dài trên ghế sofa, và bác sĩ sẽ ngồi ghi lại các suy tưởng của người bệnh là một cách tiếp cận hết sức thông minh.
Việc nói về các vấn đề của mình với một người tuyệt đối tin tưởng là một trải nghiệm hết sức quan trọng, bởi nó làm chậm lại vòng xoáy hỗn loạn tư tưởng bên trong. Trong quá trình đó, bác sĩ hay chuyên gia tâm lý có thể lần theo sự hỗn loạn đó, mà tìm ra căn nguyên của vấn đề.
Tuy vậy, dựa trên vốn kiến thức của Freud, Jung vẫn lúng túng với một trường hợp. Có một cô nữ sinh phát bệnh, tới nhờ Jung chữa. Trong quá trình chữa bệnh, dần dần cô bé này nói rằng Jung chính là cha của cô bé, sau là người anh trai, rồi người yêu, rồi người chồng…
Mặc cho Jung liên tục từ chối, nhưng cô bé này khăng khăng là cô luôn cảm giác những điều đó mỗi lần tới gần Jung. Mãi sau, Jung phát hiện ra rằng phải có một nơi nào đó gửi cho cô bé thông điệp đó. Và nếu nơi đó không phải là từ cõi vô thức – unconscious, thì ở đâu? Jung nói với cô bé, là vùng unsconcious của cô bé đang cần một vị thần.
“I surely am not a god, but your unconscious needs a god. That is a serious and a genuine need. No time before us has fulfilled that need; you are just an intellectual fool, just as much as I am, but we don’t know it.”
Thế là vấn đề của cô bé được giải quyết.
Sự tình thứ hai cũng tương tự, có một lần, Carl Jung gặp 1 bệnh nhân nữ. Nhưng vấn đề là hỏi mãi thì gia đình cô bình thường, có phần rất giàu có. Vậy tất cả sự bất an và sợ hãi vô hình tới từ đâu? Carl Jung thấy làm khó hiểu? Bất giác ông hỏi thêm về nguồn gốc gia đình của cô bé này. Hóa ra đây là một gia đình Do Thái. Ông nội cô từng là một thầy đạo Do Thái. Sau này ông bỏ đức tin, rời xa cộng đồng đó. Chính vì từ đó mà cô bé từ nhỏ, sau khi rời xa cộng đồng đó, cảm thấy hoài nghi về cuộc đời. Mặc dù thái độ của cô đối với cuộc đời hoàn toàn dưới giác độ khoa học, và cô cực kỳ thông minh. Nhưng nỗi sợ hãi mơ hồ vẫn theo cô kể từ đó. Bây giờ trở nên lớn tới mức cô hết sức lo lắng. Carl Jung nhìn ra vấn đề:
“À Ha! Tôi sẽ nói với cô điều sau, mà cô cho rằng ngu xuẩn. Thực ra ông nội cô đã có một cuộc đời đứng đắn, nhưng cô còn hơn là kẻ dị giáo; cô từ bỏ đức tin của giống nòi mình. Cô thuộc về nhóm người được chọn, vậy mà cô sống như thế nào? Không ngạc nghiên khi cô có nỗi sợ God, bởi vì cô đang chịu đựng (suffering) từ nỗi sợ God.” Sau một tuần, vấn đề của cô gái được giải quyết.
Thiên tài của Carl Jung là ở chỗ, ông phát hiện ra rằng
Các trị liệu tâm lý sẽ không còn cần thiết nữa một khi người ta còn theo đuổi các cực hạn đạo đức trong tôn giáo.
Bệnh nhân nào có đức tin tới với ông, ông hỏi ngay là đã đi xưng tội chưa? Nếu chưa đi thì ông nói nên đi ngay, bởi ngay cả khi Đức Tin đó còn rất mạnh mẽ trong lòng, và Đức Tin đó còn không giúp bệnh nhân tìm ra được lối thoát, thì ông cũng bó tay.
Và vì vậy nên các bệnh nhân tìm tới ông, họ là người Catholics thì ông khuyên nên đi gặp cha xứ xưng tội, xưng tội một cách thật cởi mở. Nếu họ là người Tin Lành, ông cũng có lời khuyên như vậy, và bất kỳ bệnh nhân thuộc một nhóm đức tin nào, ông cũng đều khuyên tương tự.
Tuy Carl Jung là một trí thức đương thời hết sức nổi tiếng, và các phân tích của ông về Catholics làm Vatican xấu hổ không ít, nhưng rất nhiều cha xứ Catholics thuần thành ban phước cho ông, khi các giáo dân nói với họ là Carl Jung dặn đi xưng tội.
Ông chỉ nhận bệnh nhân, một khi bệnh nhân bắt đầu dùng lý trí để suy xét về God. Một khi bệnh nhân bắt đầu dựa vào suy luận của mình để nhận định về God, và bệnh nhân lại tìm tới với ông, Carl Jung lúc đó nhận ra vấn đề, nên ông mới tiếp nhận bệnh nhân.
Từ đâu mà Carl Jung có giác độ đó? Có lần ông gặp một tù trưởng người da đỏ Pueblo Indians, tù trưởng này nói với ông một điều rất thú vị.
Ông nói rằng, bộ tộc của ông tồn tại là để cho mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, nếu như bộ tộc của ông biến mất, thì mặt trời sẽ biến mất. Ông nhìn thấy những du khách người Mỹ tới tham quan bộ lạc của ông thật đáng thương. Họ đang đi đâu? Họ đang đi tìm điều gì? Họ đi tìm chỉ để đi tìm! Đôi mắt họ là đôi mắt của con thú bị dồn vào chân tường. Có một du khách lái xe từ Cape Town tới Cairo, để làm gì chứ? Cô như con thú bị săn đuổi, bị ám ảnh bởi đủ loại ma quỷ, các chủng loại ma quỷ này đuổi cô đi vòng quanh. Tại sao chúng dám theo đuổi cô, bởi vì cô sống một cuộc đời thật tầm thường, vô nghĩa. Nếu cô chết ngày hôm nay thì sao? Chẳng sao hết! Bởi cô chẳng là gì hết. Nhưng nếu cô nói rằng: “tôi là con gái của mặt trăng, mỗi đêm tôi sẽ giúp đỡ mẹ tôi mọc lên từ chân trời” – đó lại khác. Và cô ta sẽ sống, sống như thể cuộc đời cô có ý nghĩa, không chỉ cho cô, mà còn cho cả loài người. Lý tưởng đó làm mọi thứ khác trong đời sống như sự nghiệp, sinh con, … trở nên tầm thường.
Thoạt nghe thì tưởng chừng như người tù trưởng kia bị khùng, nhưng Carl Jung nhận ra điều gì đó đặc biệt đằng sau những lời đó.
Chúng ta luôn cần một biểu tượng để sống, một cái gì đó cao lớn và vĩ đại hơn cuộc đời tầm thường này.
Từ trong vô thức vẫn luôn có tiếng nói đó, tiếng nói đi tìm một biểu tượng mà qua đó ta tìm được ý nghĩa của nhân sinh, tìm được nơi ta có thể trở về. Một khi lấy đi biểu tượng đó, xã hội sẽ chìm trong hỗn loạn và tăm tối. Bởi ta không biết rằng ta đang tồn tại vì điều gì.
Bồ Đề Đạt Ma nói Pháp của ông truyền được sáu đời, tới Lục Tổ Huệ Năng thì chấm dứt, Thiền Tông không còn gì để truyền nữa. Chính là vì biểu tượng của Thiền Tông dần dần phai nhạt đi qua thời gian, rằng người đời nhận ra rằng con người và vạn vật luôn có một ý nghĩa tồn tại nào đó, và chắc chắc là vạn vật không phải là không, cũng sẽ vĩnh viễn không quy về không.
Một sinh vật có trí tuệ được tạo ra trong chuỗi tuần hoàn vật chất của vũ trụ sẽ là bất kỳ điều gì có ích cho chuỗi tuần hoàn đó, chứ không thể là hư vô.
Và sự liên kết giữa trí tuệ thấp kém của con người với những sinh mệnh siêu việt hơn chính là thông qua các biểu tượng được lưu giữ trong tôn giáo, mà con người vẫn không ngừng kiếm tìm.
Người Việt Nam là một giống người có đặc thù đời sống tâm linh thờ cúng tổ tiên, trong mỗi gia đình hầu hết có một bàn thờ. Bàn thờ cha mẹ, gia tiên là nơi người ta tỏ lòng biết ơn với thế hệ trước. Nhưng cũng là nơi người ta tìm tới cầu nguyện.
Tuy vậy, biểu tượng mà cái bàn thờ đó mang lại không đủ để người ta nhìn ra ý nghĩa nhân sinh, rốt cuộc vì sao mà tồn tại.
Bởi lẽ đặt cuộc đời của những người bất toàn lên trên bệ thờ cũng tương tự như việc giữ trong mình một biểu tượng tầm thường,
tự thân nó đã không thể nói lên ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Nó chỉ là một cuộc đời đã đi qua, bất quá chỉ là vậy thôi.
Nên người ta tìm tới nhà thờ, và nhà chùa, hay thậm chí tất cả những phương thức đồng bóng trong dân gian, bất kể thứ gì!
Người Việt trong vô thức nhận ra rằng có một cái gì đó khiếm khuyết và bệnh hoạn trong đời sống “chỉ muốn yên ổn làm ăn”.
Thái độ đó là thái độ từ chối tìm kiếm các biểu tượng cao hơn của nhân sinh.
“What matter do not really matter!”
Bởi vì cái ý muốn bệnh hoạn đó nên người đời mới có thể tước đoạt hết tất cả các biểu tượng khác, hay làm vấy bẩn hết tất cả các biểu tượng mà người ta qua đó có thể kết nối với cảnh giới cao hơn.
Bi kịch của chúng ta, là ta đang mất đi các biểu tượng đó.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment