Trong chuyến du hành Ấn Độ, Carl Jung còn nhìn ra vài chuyện. Ngoài tình huống về Đức Phật, ông phát hiện ra rằng người Ấn Độ không “think” – họ chỉ “perceive”. Nghĩa là đối với những tư tưởng hết sức thâm viễn, họ tiếp nhận, không bài bác, không phản đối. Cách làm này hoàn toàn khác với người Tây Phương. Và Carl Jung nhận ra rằng có một điều gì đó không đúng ở người Tây Phương.

Sự văn minh Âu Châu cao lớn nhờ xương sống Đức Tin của nhà thờ Catholics. Nhưng một phần không hề nhỏ, nếu không nói là chủ yếu, chính là thói quen dùng Lý Trí nhìn nhận vấn đề từ thời Socrates.

Khi tiếp nhận một đức tin mới, người Âu Châu chỉ có 2 cách đối đãi. Một là hủy diệt nó – như thói quen của người Catholics. Hai là dùng lí trí để nhìn nhận nó. Khi lí trí không thể nào dung chứa được đức tin mới, sẽ từ chối nó.

John Stuart Mill sau này nhìn ra vấn đề của lí trí, nên ông đưa vào trong tác phẩm Paradise Lost thông qua hình tượng Satan, giải thích rằng có điều gì đó rất quỷ quái từ lí trí.

Dựa vào hai xương sống đó, người Âu Châu trở nên kỷ luật, họ đạt được rất nhiều thành tựu và mỹ cảm mới, minh chứng qua đỉnh cao nghệ thuật thể hiện trong lĩnh vực hội họa, kiến trúc, âm nhạc.

Nhưng hai cái xương sống đó chỉ có thể cao lớn tới một mức nhất định, người ta không thể cao lớn hơn nữa. Nên tâm hồn của người Âu Châu dần dần vùng vẫy thoát ra khỏi sự tù hãm của đức tin Catholics và sự suy luận duy lí từ thời Socrates.

Liên tục xuất hiện những triết gia mới nhìn về Đông Phương – chính là kết quả của sự đột phá đó.

Dostoievsky cũng nhìn ra tình huống này, ông thấy rằng có điều gì đó khiếm khuyết của lí trí, bởi lí trí chỉ là một phần của con người toàn vẹn.

Con người toàn vẹn còn có cả những thôi thúc mà người ta không biết từ đâu tới, chỉ có thể chấp nhận nó, hoặc từ chối nó.

Nhân vật Ivan và Alyosha là hai cực hạn đó mà Dostoievsky đặt ra trong Anh Em Nhà Karamazov, Ivan là đại diện của lí trí, và Alyosha là đại diện của phần kia. Ivan đối diện với bi kịch cuối cùng, vì lí trí tự nó đã bất toàn.

Một khi lí trí đó trở nên thành hình và đối diện với một thử thách lớn hơn từ trong vô thức, nó bị hủy diệt. Sự thôi thúc trong lòng người mang các trật tự mà người đời có được tới gần sự hỗn loạn (chaos) để người đời không quên tính bất toàn của lí trí.

Vẻ văn minh bề ngoài, và thái độ có thể được giáo dưỡng (rất có trật tự) khiến người Âu Châu kỷ luật hơn, văn minh hơn người Ấn Độ. Nhưng điểm chết người trong tâm hồn Âu Châu chính là họ không chấp nhận một khả năng rằng: tâm hồn họ có thể tiếp cận tới những cảnh giới tư tưởng thâm viễn hơn.

Theo Carl Jung, phần “ý thức” – consciousness bị tách biệt hoàn toàn đối với phần vô thức – unconsciousness.

Vấn đề của người Âu Châu, là họ mang lí trí của tâm thức ra khỏi nguồn cơn nuôi dưỡng nó – sự vô thức. Vì vậy, khi cái trật tự ý thức mang lại thành quả mới, nó cũng đối diện với một thử thách mới bước ra từ vô thức.

Nói đơn giản, chính là người Âu Châu hết sức vất vả để có một trật tự mới trong tư tưởng, nhưng trật tự đó bị cắt đứt khỏi nguồn sống của nó, là sự hỗn loạn. Qua thời gian, trật tự đó chỉ như những tòa nhà bằng đá hoa cương, tuy vững chãi giai đoạn đầu, nhưng cũng không thể trường tồn qua gió bụi của thời gian, trước sau gì cũng bị phong hóa. Đền thờ Zeus giờ còn lại gì? Trong khi Vatican thì liên tục gặp vấn đề qua các bê bối.

Theo Carl Jung, tâm hồn Âu Châu đã chọn tiếp nhận đức tin vào chúa Jesus, và chỉ dừng lại ở đó, cắt đứt toàn bộ mạch nối với sự hỗn loạn nội tâm. Ta thấy rằng Vatican sẵn sàng xuống tay rất tàn bạo đối với những người có đức tin khác, mà họ quy kết là dị giáo.

Ở Anh có câu chuyện về Beowulf, Beowulf tiêu diệt được một quái vật có tên Grendel để bảo vệ xứ Gotaland (Thụy Điển ngày nay). Tuy nhiên mẹ của Grendel (phù thủy) đã quay trở lại báo thù. Beowulf đi tìm mẹ Grendel để tiêu diệt, nhưng lại bị chính bà ta quyến rũ. Beowulf đã không nỡ giết bà ta, trở về xã hội loài người và làm vua ở Gotaland.

Sau này, nữ phù thủy mang thai, sinh ra một con rồng, con rồng này khi trưởng thành đã quay lại hủy diệt xứ Gotaland. Beowulf phải quay lại chiến đấu với nó, sau tiêu diệt được con rồng, nhưng ông cũng bị thương mà chết.

Đây là một câu chuyện rất quan trọng trong tiềm thức người dân Âu Châu. Lí do?

Beowulf trở về Gotaland, làm ngơ đi mối tình với nữ phù thủy kia, coi như không có. Ông trị vì Gotaland, xứ sở giàu có cho tới một ngày, con rồng kia, cũng chính là đứa con của ông và nữ phù thủy, quay lại hủy diệt Gotaland.

Người Catholics xuống tay tàn nhẫn với các đức tin khác trong quá khứ, nhưng cách làm đó cũng tạo ra một vấn đề khác. Đó là qua thời gian, quyền lực của Vatican đủ lớn để nuốt trọn đức tin khởi nguyên của nó.

Nhiều đời Giáo Hoàng không thể cưỡng lại các ham muốn thế tục, vốn rất dễ có – một khi họ nắm được quyền lực.

Khi họ không kiên trì quay lại giải quyết các hỗn loạn nội tâm, những con rồng từ đó quay lại huỷ diệt họ.

May mắn là người Tin Lành xuất hiện. Bởi vì thái độ của người Tin Lành mang tâm hồn Âu Châu tới gần hơn với sự hỗn loạn của Vô Thức. Người Tin Lành dám dấn thân trước đe dọa hủy diệt của Vatican, họ đối diện với rất nhiều đe dọa lớn, nhưng cũng từ đó không ngừng được tôi luyện.

Các kỹ thuật của nhà thờ Catholics mang lại sự ổn định cho Âu Châu trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng từ đó cũng bước ra một con quái vật mới. Con quái vật này là Chủ Nghĩa Phát Xít dưới thời Hitler, và sau lan sang phía Đông Nga. Phe Đồng Minh đã chiến thắng Phát Xít Đức. Không phải ngẫu nhiên mà phe đồng minh là tập hợp của những quốc gia Tin Lành.

Nói cách khác, may mắn của người Âu Châu, chính là sự xuất hiện của lực lượng Tin Lành. Dĩ nhiên, đây không phải là góc nhìn của Carl Jung.

Việc dừng lại với một phiên bản tôn giáo thu gọn của người Do Tháinhà thờ Catholics, tâm hồn Âu Châu tuy mang một vẻ ngoài văn minh, và có trật tự, nhưng điểm mấu chốt mà Carl Jung nhìn thấy, là phần vô thức của họ đã bị cố tình lờ đi.

Phần vô thức, và phần hỗn loạn nội tâm, kỳ thực chính là nguồn kiến thức và là nguồn sức mạnh vô tận.

Theo Carl Jung, người Ấn Độ không dùng lí trí để liễu giải những thứ mà mình không biết, cái gì họ không biết thì họ tiếp nhận, vì biết sợ nên sẽ “thờ”. Ở Ấn Độ, tượng của vị thần này trèo lên tượng của vị thần khác như kiến trong các đền thờ.

Đối với Carl Jung, nền văn minh Á Châu có tính ưu việt hơn nền văn minh của Âu Châu là ở điểm đó. Bởi họ chấp nhận ở rất gần sự hỗn loạn của vô thức.

Người Âu Châu mỗi khi tiến lên một đỉnh cao mới, họ lại tạo ra một tai họa mới. Họ đã chinh phục được bầu trời, nhưng những chiếc máy bay kia song song với việc chở hành khách xuyên lục địa, cũng là một vũ khí đáng sợ dùng để hủy diệt.

Khi Albert Einstein tiếp cận tới một tri thức mới, ông gói gọn lại hiểu biết lúc đó của mình vào trong một công thức đơn giản, rằng năng lượng bằng khối lượng nhân với vận tốc bình phương, thì người đời cũng nhờ đó mà nhận ra sức mạnh của bomb nguyên tử.

Albert Einstein có suy nghĩ về những nạn nhân của bomb nguyên tử hay không? Không thể biết. Nhưng ông dành những ngày sau cùng suy nghĩ về những lời của Dostoievsky, đã viết trong các ly cà phê trước.

“Our mental existence was transformed into something which it had not yet reached and which it could not yet truly be. And this could only be brought about by a dissociation between the conscious part of the mind and the unconscious” – Carl Jung

(“Sự tồn tại tinh thần của chúng ta đã bị biến đổi thành một thứ gì đó mà nó chưa đạt tới và nó chưa thể thực sự là. Và điều này chỉ có thể được tạo ra bởi sự phân ly giữa phần ý thức của tâm trí và vô thức ”)

 

Carl Jung cho rằng những gì xảy ra với Âu Châu chính là sự cưỡng chế áp đặt lên một tâm hồn, đưa nó vào một hiện trạng mà nó vẫn chưa tự nó xứng đáng đạt tới. Và điều mà người Âu Châu có thể học được từ Ấn Độ, chính là chấp nhận sự tồn tại và tiến gần hơn với sự hỗn loạn.

I could just as well say: Thank heaven there is a man left who has not learned to think, but is still able to perceive his thoughts as if they were visions or living things; a man who has transformed, or is still going to transform, his gods into visible thoughts based upon the reality of the instincts.

(“Tôi chỉ có thể nói rằng: tạ ơn thiên đường bởi vì còn lại một giống người đã học cách không suy nghĩ, mà vẫn có thể tiếp nhận tư tưởng như thể đó là cảnh tượng hay là thực thể sống; một sắc dân không hề chuyển dạng, hoặc vẫn đang trong quá trình chuyển dạng vị thần của họ trở thành những suy nghĩ có thể nhìn thấy dựa trên hiện thực của bản năng”)

Sự thiển cận của khoa học hiện đại chính là ở chỗ lên án người đời mê tín, mà không nhìn ra rằng đối với tâm hồn Ấn Độ, các mâu thuẫn mà khoa học cho rằng không thể tồn tại đồng thời lại hoàn toàn có thể. Bởi vì con người không phải là nguồn cơn của các suy nghĩ đó, các suy tưởng và mẫu thuẫn đó tự xuất hiện. Tham vọng của tâm hồn Ấn Độ chính là chạm tới cái toàn vẹn vĩnh cửu, nên những mâu thuẫn nhất thời không làm họ bận tâm.

Phải vậy không? Trong tâm hồn ta luôn chứa đựng mâu thuẫn, chỉ là ta từ chối thừa nhận nó đó thôi.

(Andrew Nguyen)