Tại sao trong số bạn bè, người quen, có người lại vô cùng nhạt nhẽo? Mỗi lần gặp họ chỉ có thể là những câu chuyện xã giao vô thưởng vô phạt?
Có thể vì họ không hề thú vị, ở họ chỉ là đời sống nông cạn đầy nhàm chán. Công việc, trình độ ở mức trung bình. Ngoài công việc là một đời sống bình bình, tập gym, gặp gỡ người khác phái, rồi lập gia đình. Ngoài chuyện thường nhật, có gì để nói chứ?
Hay nếu ta hỏi ngược lại,
phải chăng ta nhàm chán tới một mức độ mà tâm hồn ta chỉ có thể chiêu mời những người hết sức vô vị, những câu chuyện hết sức nhạt nhẽo rằng hôm nay ăn gì, cái nhà sửa chỗ nào, mấy đứa nhỏ học ở trường ra sao? Bản thân ta có điều gì xứng đáng hơn những câu chuyện đó?
Khi ta gặp một tâm hồn khác, ta có thể gạt được cái nhiễu âm của ham muốn sắc tình, của những toan tính vụ lợi về sự nghiệp hay không?
Một khi những nhiễu âm đó không còn, cái ta nhìn thấy đa phần đều là những tâm hồn hết sức vô vị, nhạt nhẽo, không nơi nương tựa, và như một hệ quả tất yếu là vô cùng yếu đuối.
Một biến cố nào đó đau khổ trong đời sẽ nhanh chóng làm bản sắc của họ tiêu mất, nhường chỗ lại cho quỷ dữ. Sự tồn tại những ngày sau của tâm hồn họ là chỉ để tìm kiếm lí do vì sao họ trở nên độc ác, và sẵn sàng xuống tay rất tàn nhẫn với người đời. Từ họ mà tai họa không ngừng sinh sôi.
Nhân tại mê trung, đời là bể khổ.
Tại sao nói họ yếu đuối? Bởi vì có một sự tương phản rất lớn giữa những điều mà họ nói rằng họ tin, và những điều mà họ thực sự tin. Có sự khác biệt về rất căn bản giữa hai thứ, một là hiện thực, và hai là hiện thực mà một tâm hồn có thể cảm nhận.
“The ought” – cái ta tưởng chừng là hiện thực, và “the is” – lẽ thật.
Ví dụ về chuyện này như thế nào? Ai có con trẻ, trước sau gì cũng gặp chuyện thế này: có một ngày đứa bé tỉnh dậy, rất sợ hãi vì có một giấc mơ hết sức đáng sợ. Sợ tới mức đứa trẻ tỉnh dậy và còn suy nghĩ mãi về giấc mơ. Giấc mơ rõ ràng không thực, vậy tại sao những cảm xúc từ nó lại hết sức chân thực? Bạn hỏi đứa trẻ về giấc mơ, đảm bảo đứa trẻ sẽ kể lại cùng cảm xúc hết sức rõ ràng, rằng bé rất sợ.
Vậy bạn sẽ làm thế nào?
Nói với đứa trẻ rằng “giấc mơ không thực đâu, đừng mất thời giờ suy nghĩ”? Đây là cách đa phần người lớn đều làm. Nhưng cách làm này có vấn đề.
Bởi vì nếu như giấc mơ kia không thực, cớ gì đứa bé lại sợ tới như vậy? Và cái cảm xúc sợ hãi mà đứa bé có, rốt cùng là ví lí cớ gì mà xuất hiện? Phải chăng có điều gì đó từ nội tâm đứa trẻ mà ta cần phải quan tâm?
Tại sao phải quan tâm? Bởi rõ ràng là thái độ cho rằng giấc mơ không thực, tới chuyện làm ngơ trước những vấn đề nửa thực nửa hư trong cuộc đời sau này là có liên quan tới nhau.
Người ta cứ lơ những vấn đề nhỏ đi mà sống, cho tới khi gián rết trong đống rác của cuộc đời bắt đầu sinh sôi, và lớn tới mức không thể giải quyết.
Vậy ta nên tiếp cận chuyện này thế nào?
Hãy hỏi đứa trẻ rằng “Con sẽ làm gì đối với chuyện này nào?”
Câu hỏi này ẩn chứa một thông điệp khác, chính là đứa trẻ có thể làm gì đó, và thay vì tập trung vào cảm giác sợ hãi, đứa bé lại tập trung vào suy nghĩ nên làm gì với tình huống này.
Sự sợ hãi tiêu biến, và đó là vì sao, rất nhiều bé trai thích những câu chuyện về siêu nhân, anh hùng, đấu sĩ. Bởi đó là hình ảnh của sức mạnh, từ những tâm hồn dám đương đầu với thử thách.
Tại sao lại phải dông dài tới như vậy khi bắt đầu ly cà phê này? Bạn có thể quay lại các ly cà phê trước, và đọc lại các comment của những tâm hồn yếu đuối đó.
Và rất có thể có những người cũng có cùng suy nghĩ với các comment đó, nhưng họ không nói ra, vậy thì những lời trên cũng là dành cho họ.
“Con quái vật” trong lòng rất lớn phải không? Là bởi vì ta biết rằng đức tin của ta không toàn vẹn, và sớm hay muộn gì ta cũng gặp một tình huống mà bản sắc và căn cước của tâm hồn đối diện với một thử thách, rằng những điều ta tin tưởng rốt cuộc có phải là điều chân thực hay không?
Hay chỉ là bởi sự yếu nhược về nhận thức mà ta đủ khả năng tiếp nhận trước đây, nhưng cái tiếp nhận đó lại khiếm khuyết và bất toàn tới độ cách chân lý còn rất xa? Bất toàn tới độ không thể nào chịu đựng trước thử thách của thời gian và các biến cố khác trong đời sống.
Khi gặp tai ương trong đời, rốt cuộc Đức Tin còn mạnh mẽ hay không? Hay là sẵn sàng thỏa hiệp? Rốt cuộc ta có mạnh mẽ như ta hằng suy nghĩ hay không?
Trang Tử nằm mơ thấy mình là con bướm, tới lúc tỉnh dậy thì rất bối rối, là Trang Tử trong giấc mơ của con bướm, hay là con bướm trong giấc mơ của Trang Tử. Và Trang Tử là Trang Tử, hay Trang Tử là con bướm?
Những chuyện viết ở đây, là chuyện đúc tỉa từ kinh nghiệm và hiểu biết của những tâm hồn xa xứ, Do Thái, Trung Hoa, Việt Nam… từ những cuộc hội luận tưởng chừng như bất tận với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung là Anh Ngữ.
Tôi viết lại ở đây, chắc gì đã sự kiện thực, nhưng tại sao cảm xúc của rất nhiều người rất chân thực? Có người không kìm chế, buông lời chửi rủa, họ là đa số. Nhưng đảm bảo, có những dư vang rất chân thực trong lòng một số người, ít thì vài người, nhiều thì cũng độ bằng số tương tác với các bài viết thế này? Phải không?
Chính là trong những lời tưởng chừng như rất huyền hoặc và mông lung, lại mang sự thực mà một phần sâu thẳm nào đó vốn đang mơ màng ngủ bao năm, nay nghe được một vài điều gì đó tự nhiên tỉnh dậy.
Đức tin có cái đặc biệt như vậy.
Đời sống mưu sinh cơm áo gạo tiền làm người ta bận rộn, nhưng không phải là cái bận rộn vì cơm áo gạo tiền sẽ đủ khỏa lấp khoảng trống trong nội tâm.
Cho dù nhiều người có phải làm việc tới độ kiệt quệ đi chăng nữa, nhưng chẳng phải rằng, đâu đó vô thức trong tâm hồn họ vẫn xuất hiện những câu hỏi rằng, rốt cuộc mọi khổ đau này có xứng đáng hay không?
Và nếu như bạn đọc các status trước, phát minh vĩ đại nhất của con người, thực ra chính là nằm ở trong nội tâm.
Có sinh vật nào, tiến hóa tới một mức độ mà ngay ở trong môi trường tồn tại, lại bối rối về chính sự tồn tại của mình, bối rối tới một mức độ sẵn sàng tự kết liễu cuộc sống?
Cũng chính là sinh vật đó, lại nhận ra rằng
có một điều gì đó hết sức thiêng liêng và cao quý trong nội tâm, và rằng sinh mệnh đó không những nên không ngừng làm mạnh mẽ sự liên kết với phần thiêng liêng đó, mà còn phải tôn trọng phần thiêng liêng đó trong sinh mệnh khác, tôn trọng tới mức dẫu sinh mệnh đó có thế nào đi chăng nữa cũng không được phép hữu ý kết thúc sự sống của nó?
Thou Shalt Not Kill – và giới cấm sát sinh của người tu Phật là ví dụ đó.
Tức giận và sợ hãi, thực ra có cùng một chuỗi biểu thị sinh hóa trong cơ thể.
Người ta tức giận vì đức tin bị xúc phạm rằng Thượng Đế mình hằng cầu nguyện lại chỉ là vị thần của người Do Thái, bảo hộ cho người Do Thái. Hay là người ta sợ hãi về việc tính căn cước của tâm hồn, và những điều mình tin tưởng xưa nay đối diện với sự sụp đổ?
Tình huống này, người Do Thái đã nhắc tới.
Hình của bài là biểu tượng của Jacob vật lộn với Thượng Đế, một điển tích rất nổi tiếng.
Hai anh em Jacob và Esau sống trong một gia đình mà người cha rất yêu quý Esau, và người mẹ lại yêu quý Jacob.
Trước lúc mất, người cha Isaac nói Esau đi ra ngoài săn gì đó rồi quay về, ông sẽ ban phước cho con của Esau.
Nhưng lúc Esau ra ngoài, người mẹ mang Jacob tới gần Isaac đã mù lòa, và Isaac bị lừa ban phước cho Jacob.
Lúc Esau về thì mọi chuyện đã rồi, Esau rất tức giận thề giết chết bằng được Jacob. Người mẹ giúp Jacob bỏ trốn.
Sau nhiều năm, Jacob muốn làm hòa với anh mình, trở về lại quê nhà. Jacob để tất cả người thân về trước, ông đi sau cùng.
Lúc ông ở một mình, có một người Do Thái bí ẩn vật lộn với ông. Người Do Thái này vật lộn với Jacob tới lúc bình minh, khi mãi mà không thắng được Jacob, người này chạm vào khớp hông của Jacob, và Jacob bị trật khớp ngã xuống.
Người này nói: “Để ta đi, trời sáng rồi”. Jacob nói, “Tôi không để ngài đi chừng nào ngài chưa ban phước cho tôi!” Và người bí ẩn hỏi: “Tên ngươi là gì?” “Jacob”.
Người lạ mặt nói : “Từ giờ trở đi, tên ngươi không phải là Jacob, mà là Isra-EL. Ngươi đã vật lộn với Thần và với người thường, và chiến thắng.”
Jacob liền hỏi lại, “Làm ơn cho tôi biết tên của ngài”. Nhưng người lạ mặt trả lời “Tại sao lại hỏi tên ta chứ?” Và người lạ mặt ban phước cho Israel.
Israel đặt tên nơi đó là Peniel (Khuôn mặt của Thần El) và nói: “Ta đã thấy tận mặt Thượng Đế (El) và ta vẫn còn sống”.
Từ đó người Israel không ăn phần thịt hông gia súc, bởi El đã chạm vào hông của Jacob.
IsraEL nghĩa là “May El Rule”, như đã nói trong bài trước.
Jacob không ngừng vật lộn với đức tin trong lòng ông, kết cục là sức mạnh ông càng có được từ nó, và đức tin ông vào El (vị thần bảo hộ giống nòi ông) càng thêm mạnh mẽ.
Hy vọng ly cà phê này, có thể tiếp chút ít năng lượng, để bạn có thể vật lộn với đức tin trong lòng mình.
Nội tâm là một vùng đất đáng sợ, nhưng bù lại, ai sẵn sàng chinh phục nó, như đứa trẻ tìm cách giải quyết cơn ác mộng của mình nhắc tới đầu ly cà phê này, bảo đảm kết cục nhận lại sẽ là sự trưởng thành và tự do trong tâm hồn.
Chúc may mắn, và nên nhớ,
một cuộc đời nô lệ là kết quả của một nội tâm nô lệ.
(Andrew Nguyen)
Leave A Comment