Người Việt phụng thờ gia tiên, ngoài chuyện tín ngưỡng, cũng còn vì mục đích khác: CẦU PHÚ QUÝ GIÀU SANG – MONG BÌNH AN PHÚC LẠC.
Thế nhưng, liệu gia tiên có thật sự “ban được” cho con cháu những điều trên hay không? Việc này thì cần xem lại.


I/ SAU KHI TẠ THẾ, GIA TIÊN ĐI VỀ ĐÂU?
……………………………………………….
Vũ trụ vô lượng muôn ngàn cõi.
Tùy duyên – phúc – nghiệp, mà mỗi người về một cõi:
– Người hữu duyên thì được theo Phật, Tiên, Thánh.
– Người thiện lương thì được về Cõi Trời Chân Phúc.
– Người chưa hoàn thành bài học của mình, thì đầu thai chuyển kiếp.
– Người khi sống phạm tội lỗi, khi chết bị địa ngục đọa đày.
– Người tự vẫn, chết oan khuất, thì kẹt lại nơi địa ngục trần gian.
Nghĩa là, không phải “gia tiên nhà nào – cũng giống nhau”.
Và không phải “cứ là gia tiên – thì đều có QUYỀN NĂNG phù hộ được cho con cháu.”

Nhiều người sau khi mất, bản thân linh hồn còn chưa an ổn suốt bao năm, sao nói tới chuyện phù hộ được cho con cháu?


II/ NGHIỆP GIA TỘC
……………………………………………….
Có nhiều dạng NGHIỆP.

Nghiệp Gia Tộc là dạng nghiệp dễ thấy, kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Người đời trước – phúc đức nhân từ, thì cháu con được phần trái ngọt.

Những gia tộc cạn phúc nặng nghiệp, thì chuyện phù độ cho con cháu không những khó, mà ngược lại, bản thân con cháu cũng còn phải lo chuyện trả nghiệp cho xong.


III/ SỰ THẬT VỀ VIỆC GIA TIÊN PHÙ HỘ CHO CON CHÁU
……………………………………………….
Xin kể 4 câu chuyện.

Chuyện đầu tiên, là bằng cách nào đó (trùng dải rung động tần số), mà gia tiên “cảm ứng” được cho con cháu. “Đừng có làm việc này”, “Đừng đi tới chỗ kia”, “Làm ăn với người nọ, tránh đứa kia ra”…

Kì tình có nhiều gia đình, lúc làm nhà chẳng xem phong thủy. Nhưng khi mời thầy phong thủy tới xem, thì mọi thứ như được sắp xếp sẵn từ đầu, rất tốt. Thậm chí ngay mảnh đất họ chọn mua cũng rất vượng khí.
Một cách vô tình, gia tiên đã góp phần tác động đến quyết định của con cháu. Vô tình mà như hữu ý.

Chuyện thứ 2, là người ta cầu xin gia tiên phù độ, mà bản thân ko chịu cố gắng làm ăn, thậm chí còn đi làm ra những chuyện loạn bậy tạo nghiệp. Gia tiên nào đỡ nổi. Ban đầu còn xuôi thuận, tới lúc cạn phúc thì mất mát cũng nhiều.

Chuyện thứ 3, là chính gia tiên chúng ta vẫn có nhiều người khổ nạn. Có khi lúc mất còn nghèo đói thiếu thốn. Mất rồi lại lạc lối, mắc kẹt tại cõi u minh. Đến bản thân họ còn chưa thoát ra được, sức đâu phù trì con cháu? Ấy còn chưa kể, nếu họ có lỡ tạo nghiệp lúc sinh thời, thì con cháu cũng lại phải gánh.


IV/ THAY VÌ ĐỢI GIA TIÊN PHÙ HỘ, HÃY GIÚP ĐỠ GIA TIÊN
……………………………………………….
Nghe sao ngược đời, mà lại ko phải vậy.
Thật ra nó dễ hiểu: Gia tiên nhẹ nghiệp – thì con cháu cũng dễ thở hơn.

Việc đầu tiên, là lo phần âm cho chu toàn. Không nhất thiết cứ phải mồ to mả đẹp gia tiên mới linh. Quan trọng là cái tâm con cháu hướng về gia tiên tới đâu. Nơi thờ tự hoang lạnh, tâm bất tín thần phật, gia tiên đói khát, thì các cụ có khi còn trách ngược cháu con.

Cách thứ 2 là CẦU SIÊU cho gia tiên. Cụ nào vẫn còn mắc kẹt, hi vọng hữu duyên mà đi được lên cõi giới cao hơn.

Cách thứ 3, là HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO GIA TIÊN. Làm được điều tốt, hãy “tâm niệm” trong lòng:
“Con xin hồi hướng công đức cho gia tiên cửu huyền thất tổ dòng họ A, nguyên quán tại…”

Cách thứ 4, đến những nơi linh thiêng, phong cảnh hữu tình (thường là chùa), nhất là những nơi có các bậc chân sư tu hành, hãy tâm niệm cầu xin cho gia tiên được ở lại nơi đó mà tu tập. Trước đó 1 ngày, có thể tâm niệm (hoặc thắp hương) mà khấn rằng, “Con kính mời gia tiên đi cùng con vào ngày mai, nếu các cụ hữu duyên thì xin thần phật cho ở lại nơi đó mà tu tập”.

Cách thứ 5, là bản thân con cháu phải sống thiện lương, chăm chỉ lao động mà vươn lên. Chăm chỉ cũng là một dạng “tích phúc”. Làm tốt công việc của mình để cống hiến xã hội tốt lên cũng đã là “tích phúc”. Khi ấy có khi “không cần” gia tiên phù hộ nữa, gia tiên nhẹ lòng, gia tiên đi lên các cõi cao hơn, được làm việc mà gia tiên thích – thay vì cứ canh cánh trong lòng, chết rồi mà còn phải lo con lo cháu.


V/ LỜI KẾT
……………………………………………….
Tri thức thâm viễn có ở nhiều nơi. Nơi này cố gắng trình bày thật giản đơn, để bà con ai đọc cũng được, ai làm cũng được. Nên là, nếu bài hay thì mời bà con chia sẻ. Tri thức cho đi – là tri thức trường tồn.

An Huy Hoàng.